Laptop tại Mỹ cháy hàng vì Covid-19

21/09/2020 12:00:28

Nhu cầu học và làm việc online khiến đơn hàng laptop tăng vọt, bóp nghẹt chuỗi cung ứng vốn đã bị siết từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tháng 3 năm nay, cả nước Mỹ phải chuyển sang học trực tuyến gần như ngay lập tức vì đại dịch. Rất nhiều trường học và gia đình đã phải nỗ lực hết sức để thích ứng với mọi công cụ hiện có. "Khi nhận ra trường sẽ giảng dạy trực tuyến hoàn toàn, chúng tôi phải cấp thiết bị cho những sinh viên cần chúng", Lara Hussain – người quản lý công nghệ tại Trường Denver cho biết trên CNN, "Thời gian rất quan trọng. Không ai muốn bắt đầu khi sinh viên chưa tiếp cận được công nghệ hay Internet".

Dù vậy, khi hàng loạt địa phương tại Mỹ đặt đơn hàng lớn cùng một lúc, cả trường học lẫn doanh nghiệp, nhu cầu laptop lớn chưa từng có đã bóp nghẹt chuỗi cung ứng. Hệ quả là các trường học và gia đình phải chấp nhận hàng về chậm, ít lựa chọn hơn và chi phí cho công nghệ cao hơn bình thường.

Nhiều hãng sản xuất thiết bị cũng cho biết đang tăng hoạt động để đáp ứng nhu cầu, nhưng vẫn chưa đủ. "Chuỗi cung ứng không được tạo ra để phục vụ lượng cầu lớn đến mức này", Stephen Baker - nhà phân tích tại NPD cho biết, "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu nhu cầu được đáp ứng hết cuối năm nay".

Laptop tại Mỹ cháy hàng vì Covid-19
Một người quản lý thiết bị trường học đang xem laptop tại Twentynine Palms, California. Ảnh: AP

Trường Denver bắt đầu đặt hàng thiết bị từ tháng 4 cho mùa thu này. Đến giữa tháng 7, họ đã đặt hơn 12.500 laptop của Lenovo, ông Hussain cho biết. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, họ nhận được tin đơn hàng bị tắc nghẽn tại hải quan và phải tìm phương án thay thế.

"Chúng tôi đã thử rất nhiều cách. Ví dụ như gọi cho các hãng bán lẻ như Amazon, để hỏi xem mình có thể đặt tối đa bao nhiêu máy. Nhưng câu trả lời chúng tôi nhận được là không còn hàng, không thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nữa", ông cho biết.

CEO Best Buy Corie Barry tuần trước cho biết khi họ mở lại các cửa hàng, "nhu cầu mạnh hơn dự báo đã khiến nhiều sản phẩm khan hiếm". Website của Amazon cũng cho thấy nhiều sản phẩm chỉ còn rất ít.

Trường Denver đã phải tìm đến máy cũ và đề nghị các gia đình từng mượn máy vào mùa xuân trả lại thiết bị khi có lựa chọn khác. Họ cũng phải mua laptop loại khác, với chi phí cao hơn 100.000 USD so với kế hoạch ban đầu.

Tại Waterford (bang Michigan) Vicki Shellnut cho biết trường của các con cô cũng gặp vấn đề tương tự khi đặt hàng. 3 đứa trẻ hiện phải dùng chung một máy tính. Việc sắp xếp thời gian học và khám bệnh online ngày càng khó khăn. Dù vậy, lựa chọn mua thêm máy nằm ngoài khả năng của gia đình Shellnut, do chồng cô đã mất việc vì đại dịch.

Vấn đề không phải là các hãng sản xuất ít laptop đi. Rất nhiều hãng trên thực tế có doanh thu tăng vọt. Kể từ đầu tháng 4, doanh số bán lẻ máy tính cá nhân đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, Baker cho biết.

Tuy nhiên, nhu cầu năm nay quá lớn, khiến các hãng công nghệ không thể theo kịp. "Acer và toàn ngành đang đối mặt nhu cầu chưa từng có về máy tính và màn hình", người phát ngôn của Acer cho biết trên CNN, "Nguồn cung linh kiện đang thắt chặt. Tuy nhiên, Acer và các nhà cung cấp đang nỗ lực để đem sản phẩm tới tay khách hàng nhanh nhất có thể".

Dù vậy, từ trước khi đại dịch xuất hiện, các hãng sản xuất thiết bị đã gặp khó do thuế nhập khẩu và các chính sách hạn chế khác của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, thời kỳ đầu đại dịch, nhiều công ty Trung Quốc phải đóng cửa tạm thời hoặc thu hẹp hoạt động.

"Khi doanh số bán laptop tăng trở lại vào tháng 3, không bên nào đang ở trong trạng thái tốt cả", Baker nói. Ông cũng cho biết nếu mọi thứ bình thường hóa sau vài tuần, các hãng cung cấp thiết bị công nghệ vẫn đối phó được. "Nhưng thực tế là việc này đã kéo dài 5 tháng. Đó là một thách thức", ông nói.

Trong một thông báo gần đây, COO Dell Jeff Clarke cho biết họ sẽ phải mất thêm một thời gian nữa mới có đủ linh kiện quan trọng cho laptop, như màn hình LCD. "Nhu cầu tăng vọt đột ngột khiến cả ngành thiếu hụt. Chúng tôi đang giải quyết việc này", ông nói.

Duy Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật