Lào và Campuchia đều đã có tiền số quốc gia, Việt Nam tiếp tục đợi?

10/02/2023 15:30:00

Đồng tiền số quốc gia vừa được triển khai của Lào có tên DLak. Với sự ra đời của đồng tiền số này, trong 3 quốc gia Đông Dương, chỉ còn Việt Nam chưa có tiền kỹ thuật số quốc gia.

Ngân hàng Trung ương Lào (Bankk of Laos - BOL) vừa thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số (CBDC) của riêng mình bằng việc bắt tay hợp tác với một đối tác đến từ Nhật Bản.

Đồng tiền kỹ thuật số hay CBDC là định dạng số của tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng trung ương phát hành. CBDC mang đặc điểm của cả hai loại tiền mã hóa và tiền pháp định. CBDC được phát hành bởi các ngân hàng trung ương nhưng lại sử dụng thuật toán tương tự như các loại tiền mã hóa.

Dự án CBDC của Lào dựa trên cơ chế Proof-of-Concept (PoC - bằng chứng khái niệm). Có thể hiểu, đây là việc tiến hành thử nghiệm một phương pháp hoặc một ý tưởng để chứng minh tính khả thi.

Cụ thể, Ngân hàng trung ương Lào đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Soramitsu - công ty Fintech (công nghệ tài chính) của Nhật. Sản phẩm của thỏa thuận hợp tác này là phiên bản số của đồng tiền Kip Lào với tên gọi DLaK (Digital Lao Kip).

Lào và Campuchia đều đã có tiền số quốc gia, Việt Nam tiếp tục đợi?
Ngân hàng trung ương Lào ký Biên bản ghi nhớ về việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số DLaK. Ảnh: Soramitsu

Theo thông tin trên website của Soramitsu, trước khi dẫn đến thỏa thuận hợp tác, công ty này đã hoàn thành việc nghiên cứu tiền khả thi đối với cơ sở hạ thanh toán dựa trên chuỗi khối ở Lào theo một dự án do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khởi xướng.

Về quy trình hoạt động, Ngân hàng trung ương Lào sẽ tạo ra CBDC rồi phát hành cho một ngân hàng thương mại. Sau đó, ngân hàng thương mại sẽ gửi CBDC tới các tài khoản cá nhân và cho phép họ dùng đồng tiền số đó thanh toán tại cửa hàng.

Những đồng Kip phiên bản kỹ thuật số sẽ được cửa hàng gửi đến ngân hàng thương mại, trước khi được thu về bởi Ngân hàng Trung ương Lào. Trong giai đoạn thử nghiệm, hoạt động của đồng DLaK sẽ liên tục được điều chỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu. Kết quả của việc triển khai CBDC dưới cơ chế Proof-of-Concept sẽ quyết định tới việc triển khai chính thức hệ thống CBDC tại Lào.

Lào và Campuchia đều đã có tiền số quốc gia, Việt Nam tiếp tục đợi? - 1
Luồng hoạt động của đồng tiền Kip Lào phiên bản số - DLaK.

Có một điều đáng chú ý khi Soramitsu cũng là đơn vị hợp tác với Ngân hàng Quốc gia Campuchia để triển khai Bakong - đồng tiền kỹ thuật số quốc gia của nước này. Sau khoảng 2 năm triển khai, tính đến tháng 7/2022, Bakong đã có 445.000 người sử dụng với 12,7 triệu giao dịch, tổng trị giá các giao dịch đạt 7,2 tỷ USD.

Theo Soramitsu, hệ thống CBDC được hãng này cung cấp cho Lào là một phiên bản sửa đổi của hệ thống Bakong đã được triển khai tại Campuchia trước đó. Như vậy, tiếp sau Campuchia, Lào là quốc gia thứ 2 trong các nước Đông Dương tiến hành triển khai thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.

Đã có hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu về kế hoạch triển khai đồng CBDC ở nhiều cấp độ khác nhau. Với Việt Nam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025.

Hồi năm ngoái, Hiệp hội Blockchain Việt Nam - tổ chức pháp nhân chính thức đầu tiên liên quan đến lĩnh vực công nghệ Blockchain tại Việt Nam cũng đã chính thức được thành lập. Đã có nhiều đề xuất về việc phát triển CBDC tại Việt Nam, tuy nhiên tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở đó.

Lào và Campuchia đều đã có tiền số quốc gia, Việt Nam tiếp tục đợi? - 2
Thời gian qua, đã có nhiều đề xuất về việt Việt Nam nên phát triển một đồng tiền số quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ với VietNamNet về cơ hội của Việt Nam khi có một đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, ông Safdar Khan - Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Mastercard cho hay, CBDC sẽ hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thanh toán quốc gia, đồng thời duy trì vai trò và khả năng tiếp cận tiền của ngân hàng trung ương trong bối cảnh giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt.

CBDC cũng giúp khắc phục tình trạng kém hiệu quả liên quan đến chi phí in ấn và di chuyển tiền do ngân hàng trung ương chi trả. Với CBDC, các ngân hàng có thể giới thiệu những chức năng thanh toán mới. Các chính phủ cũng có thể cải thiện hoạt động thanh toán xuyên biên giới với một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành.

Theo ông Safdar Khan, các nhà hoạch định chính sách nên so sánh tính phù hợp của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành với các hình thức cơ sở hạ tầng thanh toán mới khác để tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất cho nhu cầu trong nước.

Theo Trọng Đạt (ICT News)