Trong sự kiện giới thiệu iPhone 15 vừa qua, CEO Tim Cook và phó chủ tịch Apple, bà Lisa Jackson đã hết lời ca ngợi các mục tiêu vì môi trường của công ty. Tất nhiên đó chỉ là một trong các hoạt động để quảng bá cho dòng Apple Watch Series 9, với một số phiên bản được sản xuất với tiêu chí trung hòa carbon.
Trên thực tế, Apple không phải công ty duy nhất trong lĩnh vực công nghệ đưa ra các tuyên bố về bảo vệ môi trường, nhưng hiếm có công ty nào có thể nghiêm túc với các cam kết của mình như Apple – ngay cả khi đó các tuyên bố đó chỉ là những hoạt động tiếp thị cho sản phẩm của họ.
Trước tiên, cần chú ý rằng mọi con số đều chỉ mang ý nghĩa tương đối khi có sự khác biệt giữa khoảng cách về tài chính và cam kết của các công ty về môi trường. Các hoạt động vì môi trường đều khá tốn kém và vì vậy, dễ hiểu vì sao các công ty có tiềm lực tài chính nhỏ hơn lại thường đưa ra các cam kết khiêm tốn hơn. Ngay cả như vậy, vẫn khó có thể có công ty nào đạt được các cam kết như Apple.
Các nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường khó ai có thể bì kịp
Một ví dụ về cam kết chất thải điện tử của Apple là họ sẽ chuyển hơn 40.000 tấn thiết bị không sử dụng được sang tái chế thay vì đem chôn lấp. Trong khi Apple không nêu chi tiết số lượng vật liệu được tái sử dụng từ quá trình này nhưng, nhưng rõ ràng đây vẫn là một con số rất đáng kể. Đối thủ của họ, hãng Samsung dường như chỉ tái chế được khoảng ¼ con số đó, và theo một số báo cáo, khoảng 80% trong số đó được tái sử dụng.
Trong khi đó, hãng Xiaomi, nhà sản xuất thiết bị di động lớn thứ 3 thế giới trong năm 2022, từng tự hào tuyên bố rằng họ đã tái chế được 4.500 tấn rác thải điện tử. Người đồng hương của họ, hãng OPPO, công ty từng đứng thứ tư thế giới về doanh số điện thoại cho biết đã tái chế được 195 tấn. Transsion, công ty mẹ của 2 thương hiệu smartphone TECNO và Infinix, chỉ cam kết thực hiện các chương trình tái chế nhưng không có con số cụ thể.
Một điều cần nhớ rằng, trong diễn đàn WEEE từng dự báo vào năm 2022 rằng, sẽ có khoảng 5,3 tỷ thiết bị di động không còn được sử dụng nữa và về cơ bản sẽ trở thành rác thải điện tử.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là Apple còn đề cập đến lượng phát thải của các nhà máy đối tác gia công sản phẩm cho họ. Thông thường mức phát thải này có thể dễ dàng gạt bỏ ra khỏi sổ sách của Apple khi nó thuộc về các công ty khác. Thay vào đó, Apple lại nhận được các cam kết từ nhiều nhà cung cấp về việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Apple cho biết, hiện tại chuỗi cung cấp của họ đang sử dụng khoảng 13,7 GW năng lượng tái tạo và sẽ còn 6,3 GW nữa trong tương lai gần.
Trong khi đó, đối thủ của họ Samsung cho biết sẽ chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại tất cả các cơ sở kinh doanh của mình vào năm 2027 còn hiện tại, họ đang sử dụng năng lượng xanh cho khoảng 31% nhu cầu của mình. Xiaomi dường như không đưa ra cam kết chắc chắn nào về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo còn OPPO tin rằng mức phát thải Carbon của họ vẫn chưa đạt đỉnh cho đến năm sau.
Tuy nhiên vẫn còn một lĩnh vực Apple đang đi sau cả ngành công nghiệp về bảo vệ môi trường đó là khả năng sửa chữa thiết bị - ít nhất cho đến hiện tại. Khả năng tự sửa chữa các thiết bị của Apple đều vô cùng khó khăn và phức tạp, trong khi công ty lại tính mức giá đắt đỏ cho dịch vụ sửa chữa của mình, ngay cả với những thao tác cơ bản nhất (Nếu không muốn nói rằng Apple về cơ bản hướng người dùng tới việc mua thiết bị mới hơn là sửa chữa chúng).
Đối với Samsung, các chuyên gia mổ xẻ thiết bị iFixit đánh giá dòng Galaxy S23 của họ chỉ có điểm số 4/10 về khả năng sửa chữa. Đó là vì dù thiết bị này có thể thay pin nhưng nó phải được đặt vào đúng chỗ mới có thể hoạt động được.
Apple Watch Series 9 - thiết bị đầu tiên của Apple đạt tiêu chí trung hòa carbon
Đối với Apple Watch Series 9, Apple cho biết thiết bị này được tạo thành từ 30% vật liệu tái chế hoặc tái sử dụng, bao gồm một bộ khung được làm hoàn toàn từ nhôm tái chế. Chiếc smartwatch này cũng được sản xuất trong các nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo hoặc ít nhất ½ trong số chúng được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không.
Apple cho biết, họ không chỉ trả tiền cho năng lượng sạch được dùng để sản xuất nên các thiết bị của họ mà còn đầu tư vào sản xuất lượng điện năng tương đương với lượng điện mà người dùng tiêu thụ khi sạc pin cho thiết bị của công ty.
Theo số liệu của riêng công ty, Apple cho biết mức phát thải cơ bản trong quá trình sản xuất Apple Watch là 36,7 kg. Từ đó họ tìm được cách giảm thiểu chi phí phát thải của năng lượng cũng như giảm lượng vật liệu thải ra trong quá trình sản xuất. Dòng Apple Watch Series 9 hiện chỉ phát thải khoảng 8,1 kg vào bầu khí quyển, sau đó con số này có thể bù đắp bằng các tín chỉ carbon. Ngay cả các tín chỉ carbon không phải là tiêu chí hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng nhìn vào sự sụt giảm mức phát thải cũng cho thấy nỗ lực đáng kể của Apple.
Các minh chứng nói trên cho thấy nỗ lực của Apple để thực hiện được các cam kết mạnh mẽ của mình về môi trường, cũng như thúc đẩy các đối tác khác.
Tuy vậy, cũng cần nhắc lại về đặc quyền của Apple so với các đối thủ khác trong lĩnh vực này. Họ có trong tay một núi tiền mặt lớn đến đáng kinh ngạc. Đây là tiền đề để họ thực hiện các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo mà đối thủ không thể làm được. Giờ đây các khoản đầu tư này đang mang lại cho họ các ưu thế về tiếp thị khi họ có thể nói về các con số mà những đối thủ không thể làm được.
Nhưng vẫn có một công ty trong sân chơi smartphone này có thể được xếp trên Apple về khả năng tạo ra các sản phẩm xanh mà không cần đến túi tiền khổng lồ: đó là Fairphone. Các thiết bị do công ty này tạo ra phục vụ một thị trường tương đối hẹp – các điện thoại với linh kiện có thể tháo rời và lắp ghép với nhau nhằm kéo dài tối đa thời gian sử dụng của chúng để hạn chế tác động đến môi trường. Nhưng với quy mô doanh số hiện nay của họ, các sản phẩm của họ khó có thể tác động gì nhiều đến môi trường toàn cầu.
Theo Tuấn Lê (Phụ Nữ Số)