Không chỉ TikTok, Facebook và YouTube cũng có nhiều vi phạm tại Việt Nam

08/04/2023 08:00:00

Bộ TT&TT đã chỉ ra nhiều vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam. Các vi phạm này không chỉ xuất hiện trên TikTok mà còn đến từ cả Facebook, YouTube.

Trong các ứng dụng phổ biến hiện nay, mạng xã hội vẫn là lĩnh vực được người dùng điện thoại Việt Nam yêu thích nhất. Trong đó, ứng dụng chỉnh sửa video và mạng xã hội cung cấp các video ngắn ghi nhận sự gia tăng số lượng người dùng ấn tượng nhất trong tháng 2/2023, tiếp đến là các sàn thương mại điện tử và trò chơi điện tử.

Thực tế cho thấy, khi lượng thông tin ngày càng nhiều và trở nên bão hoà, khả năng chú ý của người dùng ngày càng giảm. Người xem vì vậy có xu hướng lựa chọn nội dung ngắn, sinh động để tiếp cận. 

Đây cũng là lý do các video dạng ngắn như TikTok đang được ưa chuộng và dễ dàng tạo trend (xu hướng) hơn dạng video dài trên YouTube và văn bản, hình ảnh trên Facebook. Để theo kịp thị hiếu người dùng, Facebook và YouTube đã lần lượt cho ra đời Facebook Reels, YouTube Shorts, tính năng giúp người dùng sản xuất và chia sẻ các đoạn video ngắn. 

Không chỉ TikTok, Facebook và YouTube cũng có nhiều vi phạm tại Việt Nam
Không chỉ TikTok, Facebook và YouTube cũng có nhiều vi phạm tại Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều vấn đề tồn tại về khả năng kiểm soát những nội dung của TikTok đã được chỉ ra. Do vậy, Bộ TT&TT đánh giá TikTok có nhiều vi phạm tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ TikTok, trên các nền tảng mạng xã hội khác, các nội dung xấu độc cũng được lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt. 

Chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ của Bộ TT&TT ngày 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, cả Facebook và YouTube cũng đều có những hành vi vi phạm trong việc vận hành tính năng chia sẻ video ngắn Facebook Reels và YouTube Shorts.

Với Facebook Reels, các sai phạm phổ biến được cơ quan chức năng chỉ ra là sự xuất hiện của tin giả, thông tin xuyên tạc liên quan đến nội dung chính trị trên nền tảng. Trên Facebook Reels cũng đang tồn tại nhiều hình ảnh dung tục, phản cảm; nhiều quảng cáo game cờ bạc, các ứng dụng mại dâm, thuốc không rõ nguồn gốc cũng được ghi nhận. 

Tương tự, YouTube Shorts cũng có vi phạm trong việc quảng cáo hàng giả, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, đặt quảng cáo vào nội dung vi phạm.

Không chỉ TikTok, Facebook và YouTube cũng có nhiều vi phạm tại Việt Nam - 1
Nhiều nội phản cảm, dung tục xuất hiện trên các video ngắn thuộc tính năng Reels của Facebook.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT&TT đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán như TikTok đang “lách” để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn. 

Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội như hiện nay, nếu các nền tảng này không hợp tác, chủ động chặn lọc triệt để bằng các thuật toán thì việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả.

Không chỉ TikTok, Facebook và YouTube cũng có nhiều vi phạm tại Việt Nam - 2
Quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cũng là vấn đề nhức nhối trên YouTube lâu nay.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị với các MCN (mạng đa kênh) của YouTube, TikTok, Facebook. Hoạt động này nhằm tăng cường hiệu quả quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam giữa các mạng xã hội xuyên biên giới với các MCN và những người có sức ảnh hưởng trên mạng. Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT cũng sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh.

 

Theo Trọng Đạt (VietNamNet)