Tại lối ra của một đường cao tốc ở Diêm Thành, phía bắc tỉnh Giang Tô, một chiếc drone gắn một tấm bảng ghi mã QR treo bên dưới, chầm chậm bay song song với dòng ô tô đang nối đuôi nhau di chuyển. Chiếc loa gắn bên dưới chiếc drone liên tục phát ra âm thanh yêu cầu những người lái xe vào thành phố phải quét mã QR để có thể nhanh chóng vượt qua chốt kiểm tra kiểm dịch.
Theo yêu cầu của chính quyền Diêm Thành, kể từ ngày 27/7, tất cả người dân khi đi vào thành phố này phải xuất trình được "mã sức khỏe xanh", vốn được coi là để bằng chứng để chứng minh mình không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Trong khi đó, tại cửa một trung tâm thương mại lớn tại Diêm Thành, một người đàn ông trung tuổi đang lúi húi dùng chiếc smartphone của mình để quét một mã QR đặt ngay cửa.
Khung cảnh trên không chỉ diễn ra tại Diêm Thành. Một loạt các tỉnh, thành phố khác tại Trung Quốc cũng đang áp dụng một loạt các giải pháp công nghệ để chống dịch một cách hiệu quả nhất. Trong số này, hệ thống mã QR sức khỏe được Trung Quốc coi là một trong những ‘trụ cột’ 4.0 giúp ngăn dịch COVID-19 bùng phát.
Mã QR kiểm soát Covid-19 theo màu sắc
Dựa trên nền tảng công nghệ di động và Big Data , các nhà chức trách Trung Quốc đã giới thiệu một hệ thống "mã sức khỏe điện tử" (được gọi là Jiankang, hoặc Health Code), được phát triển bởi Ant Financial, một công ty fintech thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Sau khi người dân đăng ký thông tin và trả lời một loạt câu hỏi, bao gồm nơi ở trong 14 ngày qua và liệu có mắc các triệu chứng COVID-19 không, ứng dụng Health Code sẽ tự động tạo ra các mã QR có màu, xanh lá cây, vàng và đỏ - mỗi mã cho biết tình trạng sức khỏe của người đó trong 24 giờ qua.
Theo đó, mã QR màu xanh lá cho phép bạn đi bất cứ đâu. Màu vàng cho biết bạn có thể phải tự cách ly tại nhà. Cuối cùng, màu đỏ cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải cách ly nghiêm ngặt tại một địa điểm được chính phủ chỉ định trong 2 tuần.
Việc đánh giá và phân loại mã QR theo màu sắc được ứng dụng trên smartphone tự động đánh giá, dựa trên lịch sử đi lại tới các khu vực nguy cơ cao, kết quả xét nghiệm RT-PCR gần nhất hay lịch sử tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19.
Chẳng hạn, ngay khi kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, mã QR sức khỏe của bạn sẽ ngay lập tức chuyển sang màu đỏ. Tương tự, khi một ai đó được xét nghiệm dương tính, ứng dụng quản lý mã QR sức khỏe của những người (vô tình hay cố ý) tiếp xúc gần – được xác định thông qua công nghệ định vị bằng sóng Bluetooth năng lượng thấp - cũng lập tức chuyển sang màu đỏ.
Không cần cài nhiều app, chỉ một mã QR duy nhất
Với xuất phát điểm là một sáng kiến của địa phương, các hệ thống mã QR sức khỏe giữa các tỉnh thành tại Trung Quốc ban đầu không có sự nhất quán và tương thích với nhau. Mỗi tỉnh thành lại áp dụng một hệ thống mã QR chứa dữ liệu và thông tin khác nhau, khiến người dân khó có thể sử dụng rộng rãi bên ngoài các khu vực này.
Do vậy, chính phủ Trung Quốc sau đó đã ban hành một loạt các quy định nhằm đảm bảo rằng một hệ thống mã QR thống nhất sẽ được chính quyền các tỉnh thành trên toàn quốc chấp nhận, theo tiêu chí 'chính sách thống nhất, tiêu chuẩn thống nhất, công nhận lẫn nhau và một mã (duy nhất) cho mọi mục đích đi lại’.
Một điểm cộng khác của hệ thống mã QR sức khỏe tại Trung Quốc chính là việc nó tích hợp đầy đủ các tính năng, dữ liệu liên quan tới việc phòng chống dịch COVID-19 vào một ứng dụng – một mã QR duy nhất, thay vì yêu cầu người dân phải cài đặt thêm các ứng dụng có chức năng chuyên biệt.
Cụ thể, thông qua một mã QR sức khỏe duy nhất, các cơ quan chức năng tại Trung Quốc có thể biết được một loạt các thông tin khác nhau, bao gồm dữ liệu cá nhân (tên, giới tính, quốc tịch, số ID, địa chỉ nhà, số điện thoại) hay thông tin sức khỏe cá nhân (nhiệt độ cơ thể, các triệu chứng hiện tại, thông tin liên quan đến việc sống hoặc tiếp xúc với những người từ các khu vực có nguy cơ cao). Cuối cùng, các thông tin như kết quả xét nghiệm RT-PCR gần nhất hay lịch sử tiêm chủng vắc xin cũng được tự động tích hợp vào mã QR.
Để thực hiện được điều này, cơ sở dữ liệu của hệ thống mã QR sức khỏe liên thông với một loạt dữ liệu của các hệ thống khác, bao gồm dữ liệu về vị trí do các hãng viễn thông cung cấp, trong khi các nhà khai thác khác còn liên kết với hoạt động bán vé tàu và vé máy bay, để kiểm tra danh tính và lịch sử đi lại.
Đáng chú ý, song song với việc ra mắt một ứng dụng riêng biệt, hệ thống mã QR sức khỏe cũng được tích hợp sẵn dưới dạng ‘ứng dụng con’ trên WeChat và Alipay. Đây đều là các ứng dụng nhắn tin và thanh toán trực tuyến ‘quốc dân’ tại Trung Quốc – với gần như tất cả người dân tại quốc gia này đều cài đặt sẵn và sử dụng thường xuyên hàng ngày. Chính điều này đã khiến hệ thống mã QR sức khỏe được triển khai rộng khắp và ứng dụng triệt để vào đời sống người dân.
Theo đó, tất cả các địa điểm công cộng tại Trung Quốc như nhà hàng, công sở, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư, nhà ga hay các trung tâm TDTT đều yêu cầu người dân phải xuất trình mã QR sức khỏe (có màu xanh) trước khi vào cửa. Với một số ít người cao tuổi không có smartphone, tất cả được cấp mã sức khỏe để đeo quanh cổ, vốn chứa danh tính và địa chỉ của họ để các nhà chức trách có thể kiểm tra xem họ có đến từ một khu vực được coi là có nguy cơ hay không.
Ở chiều ngược lại, những người có mã QR màu đỏ sẽ không thể đi làm, tới các nơi công cộng hay dùng các phương tiện như xe bus, tàu điện .v.v. Nói cách khác, những người này không còn cách nào khác là phải ở nhà, do họ không thể vượt qua được khâu quét mã vạch tại các địa điểm công cộng. Chính điều này vô hình trung giúp các cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát, hạn chế hiệu quả tình trạng các 'F0" ra đường!
Theo Anh Việt (Tổ Quốc)