Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cũng cho hay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã hoàn thành việc sửa chữa, khôi phục lại toàn bộ dung lượng trên tuyến trong tuần cuối của tháng 5.
AAG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm SMW3, AAE-1, APG và IA (còn gọi là Liên Á).
Là tuyến cáp kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, AAG được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là 1 trong những tuyến cáp quan trọng và có giá thành tốt để các nhà mạng Việt Nam kết nối ra quốc tế.
Gần đây nhất, cáp biển AAG lần lượt gặp các sự cố vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 trên các cáp nhánh ở cả 2 hướng kết nối đi Hong Kong, Trung Quốc và Singapore. Với việc AAG được xác nhận đã khắc phục xong các sự cố, hiện tại, chỉ còn tuyến cáp biển APG vẫn đang gặp lỗi.
Hai tuyến cáp biển IA và SMW3 đã hoàn thành việc sửa chữa trong tháng 4. Tiếp đó, vào ngày 20/5, sự cố xảy ra cuối tháng 11/2022 trên phân đoạn S1H của tuyến cáp AAE-1 cũng đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, việc 4 tuyến cáp biển IA, SMW3, AAE-1 và AAG hoàn thành sửa chữa, khôi phục hoạt động bình thường, chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam sẽ được cải thiện do có nhiều lựa chọn kết nối hơn và độ trễ tốt hơn như khi lưu lượng chạy phần lớn qua cáp đất liền. Các nhà mạng cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc điều hướng lưu lượng, đảm bảo chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách hàng.
“Thực tế, gần đây chúng tôi chưa ghi nhận thông tin gì về phàn nàn của người dùng với chất lượng dịch vụ Internet quốc tế. Các nhà mạng nhìn chung luôn để ý và đảm bảo được chất lượng cho khách hàng, đặc biệt khi có thêm các tuyến cáp biển hoạt động trở lại”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Về việc liệu các nhà mạng đã tính đến chuyện dừng thuê cáp đất liền với chi phí cao để ứng cứu hay chưa, ông Vũ Thế Bình nhận định, việc này tùy vào chiến lược và quản trị vận hành của từng nhà mạng. Song chúng ta chắc rằng các nhà mạng vẫn phải duy trì các kết nối đất liền qua phía Bắc và phía Tây Nam, còn tỷ lệ sử dụng như thế nào thì tuỳ tính toán của từng đơn vị.
Nhắc lại tình huống hy hữu 5 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố trong giai đoạn trước, ông Vũ Thế Bình cho hay, chắc rằng cả cơ quan quản lý và các nhà mạng đều rút ra được nhiều điều. Tình huống này cũng đã cho thấy sự mong manh của hệ thống cáp biển từ Việt Nam đi quốc tế hiện nay.
"Qua đó, chúng tôi tin rằng sẽ có thêm các tuyến cáp biển với hướng đi đa dạng hơn, để giảm thiểu tình trạng đồng thời đa số các tuyến cáp biển không sử dụng được. Điều này không chỉ liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ của từng nhà mạng, mà còn liên quan đến tính an toàn của Internet Việt Nam nói chung”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Theo phân tích của đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, mặc dù cần có thời gian để chuẩn bị đầu tư và việc triển khai các tuyến cáp mới thường mất nhiều năm, tuy nhiên khi có thêm các bài học, những khoản đầu tư cho hạ tầng Internet trong các năm tới sẽ mạnh mẽ và đa dạng về hướng kết nối hơn.
Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng, để tăng thêm độ ổn định và an toàn cho Internet Việt Nam, có lẽ cần hướng tới vài nhóm giải pháp: “Ngoài việc dễ thấy là đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển với hướng kết nối đa dạng, việc thúc đẩy sự "vào Việt Nam" của các nền tảng toàn cầu nhằm đưa dữ liệu về gần người dùng Việt Nam, cũng như thúc đẩy nội dung nội địa là những lựa chọn đáng quan tâm”.
Theo Vân Anh (VietNamNet)