Lời toà soạn:
Đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet là bước tiến căn bản để tạo ra niềm tin số. Phải có niềm tin số thì mới có chuyển đổi số. Làm gì để người dân củng cố niềm tin số, VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài viết phản ánh về vấn đề này.
Sợ nghe điện thoại lạ
Đã một năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng, sống tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã có thói quen không bắt máy với những số lạ gọi đến. “Già như cô còn nhận được mấy cuộc gọi của công an kêu xử phạt vi phạm giao thông, mà cô có đi được xe nữa đâu”, bà Hồng chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Thu Hương, 24 tuổi sống tại TP.HCM gần như không còn bắt máy từ các số lạ gọi đến từ lâu bởi thấy quá phiền hà. Lý do thì có đủ: “Không mời mua bất động sản, thì lại chào mời đầu tư chứng khoán, chưa kể tự xưng là Bộ Công an mời làm việc vì vi phạm giao thông hay dính vào vụ án nào đó, rồi đến giả nhà mạng hay Bộ TT&TT doạ khoá số điện thoại, có ngày cả 5-6 cuộc gọi đến như thế rất là khó chịu”.
Rất nhiều người đã chọn giải pháp không nghe điện thoại từ số lạ để tránh bị ức chế khi phải trả lời từ chối những cuộc gọi mời chào các dịch vụ; thậm chí trả lời lịch sự rồi vẫn bị người gọi văng tục và đe doạ.
Anh Thanh làm việc trong lĩnh vực truyền thông, khá kiên nhẫn áp dụng những cách thức “xóa rác” mà các nhà mạng hướng dẫn như: báo cáo cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo… Thế nhưng báo cáo số này xong lại có cuộc gọi từ số khác đến, có ngày cả chục cuộc điện thoại. Cuối cùng, anh chọn giải pháp cài đặt một phần mềm của bên thứ 3, để khi có cuộc gọi đến sẽ nhận diện được. Tuy nhiên, anh cũng thấy khá lo lắng về độ an toàn của phần mềm này, khi không biết người chủ thực sự tạo ra nó. Thực tế phần mềm cũng chỉ lọc ở mức tương đối. Cuối cùng, anh cũng chọn cách không nghe nhiều cuộc từ số lạ gọi đến khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ.
Nghi ngại tham gia môi trường số
Nếu như lừa đảo qua điện thoại chỉ tác động đến một cá nhân trực tiếp, thì lừa đảo trên mạng xã hội lại có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, khi nó tác động vào đông đảo người dùng. Đáng chú ý là hình thức giả mạo các ngân hàng, cơ quan chức năng hay các doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Cụ thể, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng như Bảo hiểm xã hội, Bộ D-ĐT, ngành thuế, điện lực các tỉnh… liên tục đưa ra các cảnh báo đến người dân vì bị mạo danh tiến hành lừa đảo người dùng. Các ngân hàng cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo về việc họ bị kẻ lừa đảo mạo danh thương hiệu để gửi tin nhắn tới khách hàng để đánh cắp tài khoản…
Hiện tượng các ngân hàng, cơ quan, tổ chức đưa ra rất nhiều các cảnh báo và được phản ánh nhiều trên truyền thông sẽ khiến cho người dùng nghi ngại và chậm trễ khi tham gia vào môi trường số, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số hiện nay.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng NCS, các vụ việc lừa đảo xảy ra liên tục sẽ gây tâm lý ngại cài đặt các ứng dụng mới, điều này sẽ ảnh hưởng đến các website chính thống. Bởi về lâu dài, có thể họ thậm chí không cài đặt hoặc không truy cập vào các website này nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV cho biết, một trong 6 trụ cột của chuyển đổi số chính là an ninh số. Và có lẽ, đây cũng là lĩnh vực chưa được quan tâm đầy đủ ở Việt Nam. Chính vì vậy, sự phát triển của kinh tế số dễ trở thành mảnh đất màu mỡ của tội phạm số, và việc giả mạo các trang web chính thống như của các ngân hàng, bảo hiểm xã hội hay ngành giáo dục mới chỉ phần nổi của tảng băng chìm. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều biến thể của tội phạm số. Cho nên, vấn đề không phải chỉ là người dùng sẽ nghi ngại khi vào các trang web chính thống, mà nó còn làm cho người dùng nghi ngại và chậm trễ khi tham gia vào nền kinh tế số và xã hội số.
Theo Lê Mỹ (VietNamNet)