Khe cửa hẹp cho Huawei

12/08/2020 13:52:40

Huawei đang dần hết vi xử lý để tích hợp trên dòng smartphone cao cấp nhưng lại có quá ít lựa chọn về nguồn cung cấp chip thời gian tới.

Huawei vừa soán ngôi Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tin vui này đến giữa lúc hãng Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh rối ren vì chưa thể tìm được đối tác phù hợp sản xuất chip Kirin do họ thiết kế.

"Bộ phận smartphone của Huawei có thể vẫn ổn trong phần còn lại của năm 2020, nhưng hai năm tiếp theo, cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác", Neil Mawston, chuyên gia phân tích của Strategy Analytics, nói.

Giữa tháng 5, Mỹ quy định các công ty nước ngoài, có sử dụng công nghệ và trang thiết bị của Mỹ trong việc sản xuất chip, phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm bán dẫn cho Huawei. Huawei đang tự thiết kế các dòng chip riêng, trong đó có chip Kirin cho smartphone cao cấp, thông qua công ty con HiSilicon, sau đó đặt hàng sản xuất tại TSMC. Quy định mới khiến TSMC phải dừng hợp tác và hoàn thành nốt các đơn hàng cũ của Huawei trước 15/9.

"Đây là tổn thất quá lớn của chúng tôi", Richard Yu, CEO ngành hàng điện tử tiêu dùng của Huawei, thừa nhận tuần trước khi họ "cạn kiệt chip và không còn nguồn cung".

Khe cửa hẹp cho Huawei
Huawei vẫn còn hy vọng trong mảng sản xuất chip. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Mawston, tương lai của Huawei ảm đảm, nhưng không phải đã hết hy vọng. Hiện Huawei có 5 lựa chọn đáng chú ý, nhưng không giải pháp nào hoàn hảo.

Thứ nhất, hãng có thể tiếp tục thiết kế các bộ vi xử lý Kirin và chuyển sang hợp tác với SMIC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, thay vì TSMC. Tuy nhiên, SMIC cũng sử dụng trang thiết bị của Mỹ, nên nhiều khả năng không thể nhận đơn hàng của Huawei. Bên cạnh đó, về mặt công nghệ, SMIC cũng thua kém TSMC.

Thứ hai, Huawei có thể đặt hàng chip của Unisoc (Trung Quốc). Unisoc tự thiết kế và sản xuất chip, nhưng là dành cho các sản phẩm giá rẻ, công nghệ không cao và khó đáp ứng được các tiêu chuẩn của Huawei. "Unisoc sẽ cần nhiều năm để cải tiến cả về chất lượng và sản lượng", Mawston nhận định.

Thứ ba là mua chip của MediaTek. Đây được cho là lựa chọn khả thi nhất. Ngoài ra, Huawei cũng đang sử dụng chip của MediaTek cho các mẫu điện thoại tầm trung và giá rẻ. Tuy nhiên, hãng Đài Loan cũng phải đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn lực và năng lực để đáp ứng được đơn hàng đầy tham vọng của Huawei hay không.

Thứ tư là mua chip của Samsung. Hãng Hàn Quốc đang thiết kế và sản xuất chip Exynos. Tuy nhiên, họ có thể sẽ không muốn chia sẻ với Huawei - đối thủ đáng gờm nhất trên thị trường smartphone, nhất là khi Huawei vừa mới chiếm ngôi đầu của Samsung. Bên cạnh đó, Hàn Quốc thường đứng về phía Mỹ trong các vấn đề chính trị.

Cuối cùng, Qualcomm đang xin chính phủ Mỹ cấp giấy phép để họ tiếp tục hợp tác với Huawei. Dù vậy, Mawston cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong tháng 11.

Kết quả bầu cử dự kiến sẽ tác động lớn đến số phận của Huawei. "Lệnh cấm của Mỹ kéo dài bao lâu còn phụ thuộc ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ba tháng tới", Greg Austin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Singapore, nhận định.

Trong khi đó, Neil Shah, chuyên gia tại Counterpoint Research, đưa ra phương án Huawei bán công ty con HiSilicon, chẳng hạn sáp nhập vào MediaTek. Khi đó, Huawei sẽ có thể tiếp tục sản xuất chip Kirin dưới danh nghĩa đặt hàng hãng Đài Loan.

Mảng tiêu dùng, trong đó có smartphone, laptop và các thiết bị điện tử khác, của Huawei đạt doanh thu 66,93 tỷ USD năm 2019, chiếm hơn 50% tổng doanh thu của hãng.

Trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2020 được công bố tuần này, Huawei lần đầu tiên lọt vào Top 50, đứng thứ 49 và tăng 12 bậc so với năm 2019. xét về doanh thu. Trong khi đó, Apple giảm một bậc xuống vị trí 12 còn Samsung giảm bốn bậc xuống vị trí 19.

"Lợi nhuận của Huawei tăng 5,6% trong năm 2019 và doanh thu tăng hơn 13,1% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2020, bất chấp những vướng mắc chính trị dai dẳng của công ty", Fortune đánh giá.

Theo Châu An (VnExpress.net)

Nổi bật