Trong một bài viết đăng trên mục Opinion (Ý kiến) của Bloomberg tuần trước, tác giả Dave Lee nhận định chiều hướng sụt giảm doanh số điện thoại thông minh sẽ khó có thể đảo ngược, trừ khi người tiêu dùng nhận thấy ở những chiếc smartphone mới một sự nâng cấp đáng kể.
Dave Lee, nhà bình luận chuyên mục công nghệ Mỹ, cho rằng iPhone không nằm ngoài xu thế này.
Theo tác giả, Apple vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu trong quý thứ ba liên tiếp - một chỉ báo cho thấy mặc dù những chiếc iPhone vẫn được yêu thích, nhưng những tín đồ của “trái táo cắn dở” đã không còn cảm thấy quá “cấp bách” cần nâng cấp lên một chiếc điện thoại đời mới.
Nếu như Apple muốn xoay chuyển tình thế để “ngược dòng” xu thế giảm sút của toàn ngành, sản phẩm tiếp theo của hãng sẽ cần được trình làng ở vị thế “như những ngày xưa,” khi những chiếc iPhone mới nhất mang đến cho người sở hữu cảm nhận về một bản nâng cấp lớn.
Doanh số bán điện thoại iPhone đạt 39,7 tỷ USD trong quý 2 năm nay - giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích; tương tự với iPad, doanh số table của Apple sụt tới 20%; trong khi những chiếc laptop dòng Mac chứng kiến mức giảm doanh số 7,3% so với cùng kỳ.
Giám đốc Tài chính Luca Maestri cho biết doanh số bán thiết bị trong quý hiện tại cũng không có gì lạc quan, trong bối cảnh công ty phải đối mặt với “những cơn gió ngược” liên quan đến tình hình ngoại tệ cũng như sự gián đoạn chuỗi cung.
Một đợt sụt giảm doanh thu nữa trong quý 3 này, kéo dài từ tháng Bảy đến tháng Chín, sẽ đồng nghĩa với loạt giảm sút doanh thu tồi tệ nhất của Apple trong hai thập kỷ qua.
Cổ phiếu của Apple đã đóng cửa giảm 4,8% vào thứ Sáu tuần trước, kéo giá trị của Apple trên thị trường chứng khoán tuột khỏi mức 3.000 tỷ USD “đáng mơ ước” từng đạt được hồi cuối tháng Sáu.
Trên thực tế, tổng doanh thu của Apple cao hơn dự kiến nhờ vào phân khúc dịch vụ đang bùng nổ của hãng, cụ thể là mảng kinh doanh các gói đăng ký Apple TV+ và Apple Music. Apple cho biết lần đầu tiên hãng có hơn 1 tỷ người đăng ký (subscribers) sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau, đẩy doanh thu dịch vụ tăng 8,2%.
Mảng dịch vụ sinh lời nhiều nhất cho Apple là tin đáng khích lệ đối với các nhà đầu tư, tuy nhiên, điều họ thực sự quan tâm là “sức khỏe” của mảng kinh doanh iPhone - sản phẩm chiếm tới hơn một nửa doanh thu hằng năm của “gã khổng lồ” công nghệ này.
Vì thế, sự chú ý giờ đây hướng về tháng Chín - khi Apple chuẩn bị ra mắt iPhone 15.
Bloomberg News từng có bài viết nhận định iPhone 15 dự kiến sẽ là là bản nâng cấp đáng kể nhất kể từ khi Apple bổ sung 5G vào chiếc smartphone của mình ba năm trước.
Mẫu điện thoại mới sẽ được sản xuất sử dụng kỹ thuật “đúc áp suất phun thấp,” cho phép viền xung quanh màn hình mỏng hơn bao giờ hết - nó gần giống với màn hình tràn thật sự.
Mẫu máy mới chạy trên một con chip nhanh hơn, camera sẽ được nâng cấp đáng kể. Và tất cả sẽ nằm gọn trong khung máy titan - chất liệu ít bị ố bẩn hơn.
Tuy nhiên, liệu những điều này có đủ để khiến mọi người đổ xô đi mua chiếc iPhone mới hay không? - Đó vẫn là một câu hỏi lớn.
Thị trường đang ở thời kỳ doanh số bán thiết bị di động sụt giảm trên diện rộng.
Đầu tuần trước, Qualcomm, nhà sản xuất lớn ở lĩnh vực chip điện thoại thông minh, đã cảnh báo về nhu cầu suy giảm.
“Ngay lúc này đây, ngành công nghiệp điện thoại thông minh đang gặp khó khăn ở Mỹ” - Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook thừa nhận mới đây, trong một cuộc nói chuyện với CNBC.
Người tiêu dùng đang cảm thấy áp lực của lạm phát đè nặng lên chi tiêu hằng ngày của họ. Điều đó có thể khiến một chiếc điện thoại mới trở nên quá xa xỉ, nhất là khi đây lại là chiếc máy đắt nhất của Apple. Đây là một yếu tố thường bị bỏ qua.
Hồi năm 2017, khi Apple thông báo iPhone X sẽ có giá “ngất ngưởng” 999 USD, nhiều người đã tự hỏi liệu người tiêu dùng có chùn bước trước mức giá như vậy hay không.
Kết quả là họ không chùn bước, và chiếc điện thoại đã “thành công rực rỡ.”
Tuy nhiên, một khi mọi người đã sẵn sàng chi khoản tiền lớn này cho một thiết bị mà họ sử dụng nhiều lần trong ngày, việc thường xuyên nâng cấp lên thiết bị mới ở mức giá cao hơn sẽ trở thành một lựa chọn “miễn cưỡng.”
Một ước tính từ hãng phân tích Wedbush cho biết trong khoảng 1,2 tỷ chiếc iPhone đang lưu hành hiện nay, có khoảng 230 triệu chiếc chưa được thay mới trong ít nhất hai năm.
Một lý do nữa cho việc người tiêu dùng “ít thay máy” hơn, đó là chất lượng kỹ thuật của Apple ngày càng được nâng cao.
Ở những chiếc iPhone đời đầu, người dùng có thể cảm nhận máy bị “lag” khi các ứng dụng tải dữ liệu, pin của máy phải “vật lộn để duy trì thậm chí chỉ là nửa ngày.”
Cùng “bàn tay khéo léo” của Apple, được hỗ trợ bởi sự phát triển của các con chip đặt làm riêng, thiết bị của hãng đã ngày càng nhanh và bền bỉ hơn.
“Rõ ràng lý do khiến nhiều người không nâng cấp điện thoại trong nhiều năm là vì họ không cần - ít nhất là họ không thường xuyên cần phải làm vậy” - tác giả Dave Lee nhận xét. “iPhone 15, ngay cả với những cải tiến mới nhất, sẽ cần phải mang lại nhiều thứ nếu (Apple) muốn phá vỡ thực tế này”./.
https://www.vietnamplus.vn/iphone-tiep-theo-se-ra-sao-khi-doi-dien-thoai-khong-con-la-mot/888569.vnp