iPhone tại hai quốc gia này không thể tắt âm thanh khi chụp ảnh, đằng sau là vấn nạn chụp lén đáng sợ!

27/06/2024 10:57:05

Vấn nạn lén chụp ảnh nhạy cảm là lý do iPhone tại hai quốc gia này phải phát ra âm thanh khi chụp nhằm chống chụp lén.

iPhone Nhật Bản (mang mã hiệu J/A) và Hàn Quốc (mang mã hiệu KH/A) vốn nổi tiếng vì không thể tắt âm chụp ảnh (shutter sound).

Ở hai quốc gia trên, vấn nạn chụp ảnh thiếu lành mạnh được gọi là "upskirting" vẫn đang hoành hành. Những kẻ biến thái chuyên đi chụp lén, chụp ảnh nhạy cảm dưới váy phụ nữ rồi tung lên mạng. Đó là lý do iPhone tại hai quốc gia này phải phát ra âm thanh khi chụp nhằm chống chụp lén.

iPhone tại hai quốc gia này không thể tắt âm thanh khi chụp ảnh, đằng sau là vấn nạn chụp lén đáng sợ!
Vấn nạn lén chụp ảnh nhạy cảm là lý do iPhone tại Nhật Bản và Hàn Quốc phải phát ra âm thanh khi chụp nhằm chống chụp lén. (Ảnh minh hoạ)

Tại Nhật Bản, tất cả thiết bị số có khả năng chụp ảnh đều buộc phải có âm thanh chụp, kể cả khi máy ở trạng thái im lặng. Việc cài đặt âm thanh khi chụp ảnh chưa được Nhật Bản đưa thành luật cụ thể nhưng các nhà sản xuất điện thoại lẫn nhà mạng vẫn tự nguyên đưa tính năng này vào như một trách nhiệm với cộng đồng.

Năm 2008, khi Apple lần đầu tiên đặt chân đến thị trường Nhật Bản với iPhone 3GS. Trước khi lên kệ, thiết bị này cũng bị buộc phải cài âm chụp ảnh. Doanh nghiệp nước ngoài khác muốn kinh doanh smartphone tại Nhật Bản cũng không ngoại lệ.

“Một số nhà sản xuất thậm chí còn bán ra những chiếc điện thoại với mức âm lượng phát ra khi chụp hình lớn hơn ở Nhật Bản,” Nobuyuki Hayashi, một phóng viên công nghệ tại Tokyo cho biết.

iPhone tại hai quốc gia này không thể tắt âm thanh khi chụp ảnh, đằng sau là vấn nạn chụp lén đáng sợ! - 1
Tại Nhật Bản tất cả thiết bị số có khả năng chụp ảnh đều buộc phải có âm thanh chụp, kể cả khi máy ở trạng thái im lặng

Tương tự với Hàn Quốc. Quay lén, chụp lén đã trở thành một trong những vấn nạn gây nhức nhối ở xứ củ sâm, không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng có khả năng trở thành nạn nhân. Kể từ năm 2017, khoảng 5.000 trường hợp quay lén được báo cáo mỗi năm, theo cảnh sát Hàn Quốc.

Những chiếc camera quay lén này có thể được đặt tại khắp nơi các địa điểm công cộng tại xứ Kim Chi đã trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ đất nước này. Họ luôn sống trong sự lo sợ bị quay lén bởi những chiếc camera tí hon, bất chấp việc Hàn Quốc đã nhìn nhận đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng và ban hành điều luật liên quan vào năm 2020.

Mới đây, sự việc fashionista Châu Bùi bị quay lén trong nhà vệ sinh tại một studio chụp ảnh bằng chiếc camera ngụy trang đồng hồ đeo tay đang gây chấn động cộng đồng mạng Việt Nam. Hành vi vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng này đã vấp phải làn sóng phẫn nộ dữ dội, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiết bị quay lén tràn lan hiện nay.

iPhone tại hai quốc gia này không thể tắt âm thanh khi chụp ảnh, đằng sau là vấn nạn chụp lén đáng sợ! - 2
Châu Bùi công khai ảnh trích xuất từ camera giấu kín trong phòng thay đồ, lên án kẻ gây rối. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, quyết "ủng hộ Châu Bùi tố giác kẻ quay lén lên cơ quan điều tra.
iPhone tại hai quốc gia này không thể tắt âm thanh khi chụp ảnh, đằng sau là vấn nạn chụp lén đáng sợ! - 3
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn quay lén vì thủ đoạn tinh vi, ngụy trang kín.

Ngày 25/6, Công an quận 3, TPHCM, đã phối hợp với Công an phường Võ Thị Sáu lấy lời khai đối với N.T.H. (SN 2000) để điều tra theo nội dung tố cáo của Châu Bùi.

Thanh niên 24 tuổi này đã thừa nhận hành vi đặt camera giấu kín ngụy trang đồng hồ đeo tay trong phòng thay đồ nữ fashionista. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh, thu thập chứng cứ làm rõ động cơ của nghi can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định số 66/2017/NĐ-CP, quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị có hiệu lực từ ngày 5/7/2017 thì các loại thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình chỉ được bán cho các cơ quan chuyên trách phục vụ bảo vệ an ninh và điều tra hình sự gồm: cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do bộ luật tố tụng hình sự quy định.

Việc buôn bán các sản phẩm này còn được quy định chặt chẽ như hàng quý, cơ sở phải gửi báo cáo, kèm theo thống kê danh sách cơ quan đã mua thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gửi cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Khi sản phẩm bị hư hỏng phải tổ chức tiêu hủy.

Nghị định này cũng định nghĩa, thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường. Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường…

Tham khảo Wired, KoreaTimes

Theo Huỳnh Duy (Nguoiduatin.vn)

https://kenh14.vn/iphone-tai-hai-quoc-gia-nay-khong-the-tat-am-thanh-khi-chup-anh-dang-sau-la-van-nan-chup-len-dang-so-20240626120348963.chn

Nổi bật