Hãng Reuters dẫn 4 nguồn tin thân cận cho hay, liên tiếp các vụ tấn công xảy ra trong vài tháng qua và nhắm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc ở Uganda hoặc có liên quan đến đất nước Đông Phi này.
Sự kiện lần đầu tiên được ghi nhận tại Uganda chính là vụ tấn công điện thoại của quan chức Mỹ thông qua phần mềm Pegasus của NSO bị phát hiện rộng rãi nhất.
Trước đó, một số cá nhân nhất định, bao gồm một số quan chức Mỹ, đã có trong danh sách cảnh báo mục tiêu tiềm năng của phần mềm do NSO phát triển.
Phản ứng về thông tin này, NSO Group cho biết chưa thấy dấu hiệu công nghệ của công ty này đã được sử dụng để xâm nhập điện thoại nhân viên ngoại giao Mỹ, nhưng đã hủy quyền truy cập của các khách hàng liên quan và sẽ tiến hành điều tra.
Công ty Israel này nổi tiếng với phần mềm do thám Pegasus - một ứng dụng lợi dụng lỗ hổng zero-day của iPhone, âm thầm xâm nhập vào điện thoại và đọc dữ liệu trên đó, gồm cả tin nhắn và các thông tin liên lạc khác.
Tháng trước, Apple khởi kiện NSO Group và yêu cầu lệnh cấm vĩnh viễn công ty này trong việc sử dụng phần mềm, dịch vụ hoặc thiết bị của hãng.
Theo Reuters, phần mềm NSO không chỉ có khả năng ghi lại các tin nhắn được mã hóa, ảnh và các thông tin nhạy cảm khác của chiếc điện thoại bị nhiễm virus mà còn biến chúng thành thiết bị ghi âm để theo dõi môi trường xung quanh.
Đầu năm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã tìm thấy bằng chứng iPhone 12 bị tấn công bởi Pegasus, khiến 50.000 số điện thoại bị rò rỉ. Phần mềm cũng được dùng để theo dõi người thân của Jamal Khashoggi - nhà báo Washington Post bị ám sát. Hồi tháng 9, phần mềm được tìm thấy trên điện thoại của ít nhất 5 bộ trưởng Pháp.
(Tổng hợp)
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)