Tuy nhiên, người tiêu dùng lúc nào cũng nghiêng về phía các giải pháp rẻ hơn, tiện lợi hơn, dù đôi lúc các giải pháp này buộc họ phải sử dụng các dịch vụ sửa chữa bên thứ 3 - tức không chính hãng. Và Apple cũng chẳng phải tay vừa khi tìm ra cách để khiến khách hàng của mình tránh xa những dịch vụ này: nếu bạn sở hữu iPhone 8, và từng mang máy đi sửa, thay màn hình không chính hãng, thì ngay khi cập nhật lên iOS 11.3, hệ thống sẽ tự động khoá cảm ứng của máy, biến chiếc iPhone hơn chục triệu thành một cục chặn giấy không hơn không kém.
Thế nhưng theo SlashGear thì đây không phải lần đầu Apple sử dụng "tuyệt chiêu" này. Chiếc iPhone 7 trước đây cũng chịu số phận tương tự: năm ngoái, nhiều chiếc iPhone 7 ra mắt từ năm 2016 đã bị một bản cập nhật iOS khoá cảm ứng nếu từng thay màn hình không chính hãng. Vụ việc này khiến nhiều cửa hàng sửa chữa từ chối nhận thay màn hình iPhone 7, và hiện nay, iPhone 8 có lẽ cũng sẽ bị từ chối nốt.
Các chuyên gia sửa chữa giải thích rằng Apple sử dụng một con chip nhỏ để điều khiển màn hình cảm ứng của iPhone 8. Mỗi khi màn hình bị thay, con chip này cũng cần được nâng cấp. Nếu hệ thống phát hiện màn hình và chip không ăn khớp, nó sẽ không tiếp nhận bất kỳ thao tác cảm ứng nào nữa!
Apple cũng thực hiện chiến thuật này đối với Touch ID và Face ID của iPhone X, khi mọi hình thức sửa chữa do bên thứ 3 thực hiện sẽ "giết" luôn những tính năng này. Chúng ta cũng nên hiểu cho Apple, bởi Touch ID và Face ID là những tính năng bảo mật đặc biệt, và chúng cần được bảo vệ chặt chẽ, tránh bị can thiệp để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, màn hình cảm ứng lại là một câu chuyện khác.
Hiện chưa rõ Apple có đưa ra một bản cập nhật vá "lỗi" này hay không. Có lẽ Apple xem đây là một...tính năng chứ không phải lỗi, và mục đích của nó không có gì khác ngoài việc khiến người tiêu dùng lo lắng khi thay thế linh kiện từ các bên thứ 3, cũng như buộc các cửa hàng sửa chữa không chính hãng phải từ chối khách hàng ngay từ đầu. Quả là một mũi tên bắn trúng hai đích.
Theo Minh.T.T (VnReview.vn)