Anh Điệp cho biết anh mua chiếc iPhone 7 Plus 32 GB bản quốc tế mã LL/A tại cửa hàng CellphoneS Nguyễn Trãi (Hà Nội) vào ngày 11/11/2017. Phía cửa hàng cam kết đây là máy quốc tế mới 100%, hưởng chính sách bảo hành một năm từ Apple nên cửa hàng không có chính sách bảo hành thêm cho loại máy này.
Anh Điệp kích hoạt máy ngay sau khi mua, sử dụng ổn định trong 3 tháng. Đến ngày 27/2, sau khi khôi phục cài đặt gốc, máy báo "SIM không được hỗ trợ" và không sử dụng được nữa.
Vị khách trên đã liên hệ cửa hàng để được đổi máy mới. "Phía CellphoneS ban đầu đưa ra hai lựa chọn là đổi cho tôi máy trả bảo hành hoặc máy đã bóc hộp, mới 99% và còn bảo hành. Tuy nhiên đến chiều 1/3, họ đã liên hệ đổi máy mới nguyên hộp cho tôi", anh Điệp cho biết.
Tình trạng iPhone quốc tế hoá thành bản lock không phải mới. Cuối năm 2016, người dùng iPhone Việt từng hoang mang trước hàng loạt máy quốc tế gặp tình trạng này. Thời điểm bấy giờ, người dùng cho rằng hệ thống Apple gặp lỗi khi kích hoạt iPhone. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục vì chỉ có một số mã quốc gia nhất định gặp tình trạng trên.
"Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp tình trạng máy quốc tế biến thành bản lock như thế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Phía cửa hàng đã chủ động đổi máy theo yêu cầu của khách hàng", anh Lạc Huy - đại diện CellphoneS trả lời Zing.vn.
"Có hai trường hợp khiến máy quốc tế trở thành máy lock. Đầu tiên là máy nợ cước hoặc máy báo mất, sau đó người mua trả đủ cước để trở thành máy quốc tế. Trường hợp thứ hai là máy mua code mở khoá tạm thời", anh Lê Khánh - chuyên viên sửa chữa điện thoại ngụ quận 1 (TP.HCM) cho biết.
"Trường hợp này thường xảy ra với iPhone xách tay, đặc biệt là máy có mã LL/A. Đôi khi xui rủi nhập phải vài chiếc loại này, cửa hàng đều phải tự chịu trách nhiệm với khách hàng", anh Minh Tuấn - chủ tiệm điện thoại trên đường Trần Quang Khải (TP.HCM) cho biết đây là rủi ro khi kinh doanh máy xách tay mà các cửa hàng thỉnh thoảng gặp phải.
Trường hợp mua cước tạm thời khá phổ biến. Thương lái sẽ sử dụng tài khoản GSX của nhân viên, đối tác của Apple dùng cho các chuyến công tác ngắn ngày để kích hoạt máy. Người dùng khi mua máy xách tay cần kiểm tra tình trạng GSX bằng các dịch vụ trực tuyến với giá 1-3 USD để đảm bảo nguồn gốc của máy.
"Máy iPhone quốc tế, chưa kích hoạt, khôi phục cài đặt gốc nhiều lần vẫn chưa chắc đã an toàn. Người dùng nên mua ở những nơi uy tín để tránh cảnh iPhone biến thành cục gạch", anh Khánh khuyến cáo.
Ngoài ra, trên thị trường iPhone cũ trước đây còn rộ lên chiêu câu SIM ghép vào bên trong máy lock. Sau một thời gian sử dụng như máy quốc tế, Apple sẽ nâng cấp hệ thống và khoá máy. Người dùng sẽ là người chịu thiệt cuối cùng nếu mua máy không rõ nguồn gốc.
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)