Sau khi Samsung trình làng dòng Galaxy S22 vào ngày 9/2, ngay lập tức nó được đặt lên bàn cân để so sánh với đối thủ iPhone 13.
Dòng Galaxy S22 có nhiều kích cỡ khác nhau, từ 6,1 inch đến 6,8 inch, trong khi đó iPhone 13 có kích thước từ 5,4 inch đến 6,7 inch. Đặc biệt Glaxy S22 Ultra còn được trang bị bút cảm ứng S Pen. Tuy nhiên đó không phải là điều mà Apple quan tâm. Tương tự, không có mẫu Galaxy S22 nào có thể cạnh tranh với kích thước 5,4 inch của iPhone 13 mini.
Theo PCMag, ngoại trừ Samsung Galaxy S22 Ultra, tất cả các mẫu iPhone 13 đều cung cấp màn hình có độ phân giải cao hơn. Ngoài ra, dòng Galaxy S22 được trang bị chip Snapdragon 8 Gen 1 cũng được đánh giá là chậm hơn so với chip A15 Bionic trên iPhone 13.
Theo các đánh giá, đối thủ iPhone 13 vẫn tốt hơn về mọi mặt, tuy nhiên với thiết kế mặt sau bằng kính cứng, Galaxy S22 được cho là bảo vệ điện thoại khi bị rơi vỡ tốt hơn iPhone. Đây là điều mà Apple nên học hỏi để áp dụng cho các thế hệ iPhone tiếp theo.
Samsung sử dụng kính cường lực Gorilla Glass Victus+ cho cả mặt trước và mặt sau, đây là loại kính công nghệ cao tốt nhất từ hãng sản xuất Corning.
Màn hình của iPhone 13 sử dụng tấm nền OLED và được phủ lớp kính cường lực được làm từ tinh thể gốm Ceramic Shield. Apple hứa hẹn rằng nó cứng hơn bất kỳ loại kính smartphone nào trên thị trường, mang lại độ bền đáng kinh ngạc và giảm khả năng hư hỏng khi rơi vỡ. Tuy nhiên Ceramic Shield lại chỉ được trang bị ở mặt trước của iPhone.
Mặc dù việc cung cấp sự bảo vệ tốt nhất cho màn hình trước của điện thoại là điều tuyệt vời, nhưng một chiếc iPhone bị vỡ mặt sau cũng là một cơn ác mộng. Đó là lý do tại sao iPhone 14 nên trang bị Ceramic Shield cho cả mặt trước và mặt sau.
Các nhà sản xuất thiết bị Apple và Android thường xuyên “vay mượn” lẫn nhau. Điều này đã diễn ra trong hơn một thập kỷ, Steve Jobs thậm chí còn gọi Android là “kẻ ăn cắp” vì nó đã sao chép quá nhiều từ iPhone. Vì vậy cũng có thể coi là công bằng nếu Apple “mượn” một ý tưởng từ Samsung và triển khai nó trên iPhone 14.
Theo Hương Dung (VietNamNet)