Ngày 12/9, cơ quan giám sát bức xạ Pháp thông báo cấm bán mẫu điện thoại iPhone 12 của Apple, sau khi các cuộc thử nghiệm cho thấy thiết bị này đã vi phạm giới hạn phơi nhiễm bức xạ khung tiêu chuẩn châu Âu.
Theo đó, Cơ quan Quốc gia về Tần số Pháp (ANFR) cho biết tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR), chỉ số đo mức độ tần số vô tuyến hấp thụ vào cơ thể người thông qua một thiết bị của iPhone 12 vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đại diện chính phủ Pháp nói rằng một bản cập nhật phần mềm từ Apple có thể khắc phục được sự cố, nếu không, ANFR sẽ ban hành lệnh thu hồi thiết bị trên toàn nước Pháp.
Apple phản đối kết luận của cơ quan giám sát, khẳng định iPhone 12 đã được nhiều cơ quan quốc tế chứng nhận tuân thủ các tiêu chuẩn bức xạ toàn cầu.
Ngày 14/9, đến lượt Bỉ và Đức thông báo sẽ xem xét các nguy cơ đối với sức khoẻ liên quan đến bức xạ của iPhone 12.
Mathieu Michel, quan chức phụ trách chuyển đổi số của Bỉ cũng nói thêm, nước này sẽ yêu cầu cơ quan giám sát đánh giá toàn bộ các sản phẩm của Apple, cũng như các dòng điện thoại khác trong một động thái tiếp sau.
Tại Đức, cơ quan quản lý mạng lưới BnetzA tái khẳng định động thái của Pháp có thể là kim chỉ nam cho toàn bộ châu Âu. Trong trường hợp các thử nghiệm của Pháp được chứng minh là đúng, Berlin sẽ có bước đi tương tự.
Cơ quan giám sát kỹ thuật số Hà Lan cũng cho biết họ đang xem xét vấn đề và sẽ yêu cầu nhà sản xuất iPhone phải giải trình, song nhấn mạnh “chưa có rủi ro an toàn đáng kể”.
Trong khi đó, Bộ trưởng công nghiệp Italia nói họ đang theo dõi sát sao tình hình và chưa đưa ra động thái cụ thể.
Có nên lo lắng về bức xạ điện thoại?
Bức xạ từ điện thoại di động là kết quả của cách thiết bị này hoạt động, khi sóng vô tuyến được truyền đi, tạo ra trường điện tử. Không giống như bức xạ từ tia X hoặc tia gamma - xuất hiện do sự phân rã phóng xạ, bức xạ từ điện thoại không thể phá vỡ liên kết hoá học hoặc tác động làm thay đổi cấu trúc tế bào trong cơ thể người - yếu tố thường dẫn đến căn bệnh ung thư.
Tỷ lệ hấp thụ - SAR là thuật ngữ chỉ mức độ năng lượng mà cơ thể người hấp thụ từ bất kỳ nguồn bức xạ nào. Nó được biểu thị bằng watt trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Loại bức xạ “không ion hoá” của điện thoại gây ra là làm nóng các mô cơ thể. Theo Uỷ ban Quốc tế về Bảo vệ Bức xạ Không ion hoá (ICNIRP), giới hạn được đặt ra tuỳ thuộc vào thời gian phơi nhiễm, có thể dẫn đến những hệ quả là bỏng hoặc sốc nhiệt.
ANFR cho biết họ kiểm tra ngẫu nhiên 141 điện thoại lấy từ các cửa hàng, trong đó có model iPhone 12, ghi nhận mẫu điện thoại của “Nhà Táo” có mức SAR 5,74 watt/kg, cao hơn tiêu chuẩn EU là 4,0 watt/kg.
Tuy nhiên, giáo sư Rodney Croft, chủ tịch ICNIRP, cho biết con số này không gây nguy hiểm đến sức khoẻ con người. WHO và các cơ quan y tế quốc tế khác cũng nói rằng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy bức xạ điện thoại di động ảnh hưởng xấu đến cơ thể người, tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu để làm rõ vấn đề này.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)