Apple và Facebook là hai trong số những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng bề ngoài thì chúng gần như không có điểm chung. Apple đã thu về phần lớn doanh số 274,5 tỷ USD vào năm ngoái nhờ iPhone, iPad, máy tính Mac và tai nghe AirPods. Trong khi đó, Facebook bán rất ít thiết bị và thay vào đó kiếm được gần 85,9 tỷ USD từ quảng cáo trực tuyến được nhắm mục tiêu.
Nhưng, có một lĩnh vực mà giờ đây đã khiến cả hai phải vượt qua những khuôn khổ quen thuộc và lao vào nhau, đó là cuộc chiến liên quan tới quyền riêng tư của những người sử dụng sản phẩm của họ.
Và hôm qua 26/4, Apple đã phát hành một bản cập nhật cho iPhone và iPad của mình, một đòn đánh mạnh vào lĩnh vực quảng cáo. Bản cập nhật hệ mới, với tên gọi tương đối lành tính là iOS 14.5 và iPadOS 14.5, yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng phải xin phép rõ ràng để theo dõi hành vi của người dùng bên trong các ứng dụng hoặc trang web.
Ví dụ như khi mở Facebook, bạn sẽ thấy hộp thoại với nội dung là Facebook muốn theo dõi hoạt động của bạn thông qua các ứng dụng và trang web khác. Bạn có thể chọn không cho phép hoặc cho phép Facebook theo dõi mình. Trong mục Privacy bên trong Settings, bạn cũng có thể xem danh sách các ứng dụng đã yêu cầu quyền theo dõi bạn và thay các đổi quyền này nếu muốn.
Thay đổi này ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của Facebook, một công ty đã được xây dựng trong cả thập kỷ qua dựa trên công nghệ được thiết kế để theo dõi người dùng, cho dù họ có biết hay không.
Và sự bất đồng chính sách này của hai công ty có thể trở thành mối thù lớn nhất ở Thung lũng Silicon. Trước đó, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã tuyên bố rằng quyền riêng tư phải là quyền của con người và CEO Facebook Mark Zuckerberg nói rằng yêu cầu của Apple sẽ làm tổn hại các doanh nghiệp nhỏ và tăng chi phí Internet.
"Mọi doanh nghiệp đều bắt đầu với một ý tưởng và có thể chia sẻ ý tưởng đó thông qua các quảng cáo được cá nhân hóa là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho các doanh nghiệp nhỏ", đại diện Facebook cho biết trong một bài đăng trên blog vào tháng Hai. "Việc hạn chế sử dụng quảng cáo được cá nhân hóa sẽ lấy đi động cơ tăng trưởng quan trọng cho doanh nghiệp."
Gã khổng lồ mạng xã hội đã đăng nguyên một trang quảng cáo trên một số tờ báo in, như một phần của chiêu trò PR. Facebook cũng tổ chức một cuộc họp báo, trong đó các chủ doanh nghiệp nhỏ trình bày hoàn cảnh của mình.
Tim Cook đã bác bỏ những lo ngại đó trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào đầu tháng này.
"Chúng tôi biết những điều này là những lập luận mỏng manh", ông nói. "Tôi nghĩ rằng bạn có thể làm quảng cáo kỹ thuật số và kiếm tiền từ quảng cáo kỹ thuật số mà không cần theo dõi mọi người, đặc biệt khi họ không biết mình đang bị theo dõi."
Apple và Facebook sau đó tiếp tục "bắn tỉa" vào nhau. Mới đây nhất, Facebook đã chia sẻ một bản sao của cảnh báo mà họ sẽ nói với người dùng rằng các nỗ lực bảo mật mới của mình là do Apple "yêu cầu", trong khi Apple phát hành một video trên YouTube nói rằng họ đang chiến đấu chống lại "các ứng dụng có trình theo dõi được nhúng vào và chúng chiếm nhiều dữ liệu hơn mức họ cần."
Cuộc chiến bằng lời nói của hai bên đánh dấu một mức độ căng thẳng mới giữa hai trong số các công ty lớn nhất thế giới. Trong những năm qua, Apple đã chuyển mình sang hình thái như một ngọn hải đăng về quyền riêng tư, trong một thế giới giàu tính giám sát. Công ty thường xuyên nêu bật cách họ xây dựng hệ thống bảo mật và lựa chọn ẩn danh vào các sản phẩm của mình. Các thiết bị theo dõi như AirTag, được công bố vào tuần trước, dựa trên giao tiếp được mã hóa, được thiết kế để đảm bảo ngay cả Apple cũng không thể sử dụng các sản phẩm của mình để xác định vị trí của mọi người hoặc thiết bị của họ.
Cách tiếp cận của Apple đã đối đầu trực diện với Facebook, một công ty có cách tiếp cận tương đối lỏng lẻo đối với dữ liệu người dùng, thứ đã từng dẫn đến các cuộc điều tra của chính phủ và bị phạt tiền vì những vụ bê bối lớn về quyền riêng tư.
Apple và Facebook không chỉ tranh cãi về triết lý. Apple công khai chỉ trích Facebook trong các bài thuyết trình của mình vào năm 2018, chẳng hạn như giới thiệu tính năng Screen Time, tiết lộ tần suất mọi người sử dụng các ứng dụng khác nhau. Trong bản demo đó, Facebook được coi là kẻ hút lấy thời gian của mọi người. Apple cũng đã công bố các tính năng mới cho trình duyệt Safari của mình, cho biết họ sẽ "tắt" tính năng theo dõi người dùng thông qua các nút Like phổ biến trên web của Facebook. Tất cả điều này xảy ra ngay sau khi vụ bê bối quyền riêng tư Cambridge Analytica của Facebook bùng nổ trước công chúng.
Theo Bảo Nam (Pháp Luật & Bạn Đọc)