Sau hơn một tuần cáp AAG gặp sự cố, ban điều hành tuyến cáp này đã thông báo kế hoạch sửa chữa cụ thể.
Theo một nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước, hai ngày nữa (22/10), tàu hàn cáp AAG sẽ thực hiện mối nối đầu tiên. Dự kiến đến 24/10 sẽ xong mối nối cuối cùng, sau đó chôn cáp ngay trong buổi tối cùng ngày.
Do đó, mạng Internet tại Việt Nam đi quốc tế sẽ ổn định trở lại sau 4 ngày nữa.
Tuyến cáp AAG (màu xanh) đang gặp sự cố. |
Trước đó, tuyến AAG đã gặp sự cố vào lúc 7h20 ngày 12/10, gây mất 690 GB dung lượng từ TP.HCM hướng đi quốc tế. Nguyên nhân do đứt cáp quang biển gần đoạn cập bờ Hong Kong.
Theo Viettel Telecom, ISP này chỉ bị ảnh hưởng 20% dung lượng mạng sau sự cố này.
"Cáp nằm trong khu vực nhiều tàu thuyền qua lại. Độ sâu của cáp chỉ khoảng 1,5 m và chủ yếu là loại cáp SA (single armored), có một lớp vỏ bảo vệ. Do đó, khi tàu thuyền lớn hạ neo sẽ dễ làm đứt cáp, gây ra sự cố trên tuyến AAG", Ông Lưu Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Viettel Networks, cho biết.
Hôm 10/10, tuyến cáp SMW-3 cũng gặp sự cố khiến mất 130 GB dung lượng kết nối đi quốc tế. Theo đại diện một ISP ở TP.HCM, sự cố kép này ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ kênh quốc tế tại các tỉnh miền Nam và miền Trung.
Đây là lần thứ 4 Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng do đứt cáp quang trong năm 2017. Cuối tháng 8, đồng loạt các tuyến cáp quan trọng như AAG, Liên Á và SMW-3 đều gặp sự cố và chỉ mới được khôi phục hoàn toàn vào đầu tháng 10.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế, bên cạnh nhiều tuyến dự phòng khác.
Tính đến 2016, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...
Theo Duy Tín (Tri Thức Trực Tuyến)