Giờ đây, Apple sẽ nâng cấp dòng chip SoC A-series sử dụng nhân CPU Arm để nó đạt được mức hiệu năng phù hợp cho việc sử dụng cho Mac. Đồng thời họ không chỉ tiến hành hỗ trợ những phần mềm mới mà hỗ trợ cả những phần mềm được chuyển từ hệ sinh thái iOS và iPadOS sang, bắt đầu với hệ điều hành MacOS “Big Sur”.
Đại diện Intel cho biết Apple là một trong những khách hàng của Intel trong nhiều mảng khác nhau và Intel vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Apple. Họ tin rằng những chiếc PC được trang bị vi xử lý Intel sẽ giúp khách hàng có được những trải nghiệm tốt nhất, ngoài ra thì đây cũng là nền tảng mở hỗ trợ tối đa cho các nhà phát triển ở thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai.
Như có nói bên trên, Apple chỉ chiếm 4% doanh số CPU hằng năm của Intel nên việc Apple dứt áo ra đi có thể cũng đồng nghĩa với việc người dùng cuối sẽ ít gặp tình trạng khan hiếm CPU hơn. Trong 2 năm trở lại đây thì Intel gặp phải vấn đề với việc thiếu hụt CPU trong mảng bán lẻ vì các hãng OEM đã chiếm phần lớn sản lượng hàng hóa.
Kể từ khi Apple ra mắt chiếc MacBook (2016) thì nó đã cho thấy họ đã và đang tập trung vào thiết kế công nghiệp (industrial design), với kiểu dáng mỏng và thời lượng pin dài, hiệu năng tính toán trên máy không nhất thiết phải cao mà thay vào đó là tập trung vào đám mây (cloud) nhiều hơn. Và để đạt được mục tiêu này, họ muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn về những thứ mà nhà cung cấp đưa cho họ.
Mặc dù Intel vẫn có những con chip SoC với mức TDP chỉ từ 7W đến 15W, những vi xử lý này có vẻ như vẫn chưa thỏa mãn được mức hiệu năng/điện năng tiêu thụ mà Apple đưa ra. Tiêu chuẩn mà Apple đặt ra có thể thấy thông qua các con chip GPU của AMD như “Navi 12”, Pro 5500, và Pro W5700X, thậm chí AMD còn sản xuất riêng GPU cho Apple là đằng khác.
Intel có thể làm nhiều hơn nữa để giữ chân Apple, chẳng hạn như với con chip “Lakefield”. Mặc dù thông tin về hiệu năng của nó vẫn chưa được tiết lộ, “Lakefield” vẫn là một con chip khá là phù hợp cho thiết bị của Apple: cực kì tiết kiệm điện, hiệu năng burst cao, và tính tùy biến cũng đa dạng.
Ngoài ra thì Intel cũng có thể đi pitch kiến trúc x86 luôn cũng được. Kể từ lúc bắt đầu đến nay thì Intel đã cấp phép kiến trúc x86 cho hàng chục công ty khác nhau. Hiện tại thì chỉ còn có AMD và VIA là 2 hãng vẫn còn tích cực sử dụng kiến trúc này.
Trong vòng ít nhất 15 năm trở lại đây thì chưa có thêm một công ty nào được cấp phép nữa cả, cho nên Apple có thể là hãng đầu tiên được cấp phép sử dụng x86 sau từng ấy thời gian, và với sự trợ giúp thì họ có thể phát triển chip SoC x86 của riêng họ. Apple đã từng trả tiền cho Unix trong thời đại Linux, và rất có thể họ cũng sẽ xem xét trường hợp ký kết giấy phép với Intel.
Theo TechPowerUp thì việc Apple thành công trong chuyện phát triển kiến trúc Arm cho máy Mac là một mối nguy hiểm đáng lo ngại hơn là chip x86 của AMD.
Lý do là vì nó có thể khơi mào cho những hãng bóng bán dẫn khác với ngân sách lớn và giấy phép sử dụng kiến trúc Arm, chẳng hạn như NVIDIA và Samsung, phát triển chip SoC Arm hiệu năng cao của riêng họ cho các dòng laptop mỏng nhẹ. Thời đại “Wintel” đã qua lâu rồi, và Microsoft cũng đang tìm kiếm hướng đi mới để tạo ra hệ sinh thái Windows-on-Arm.
Duy Anh (Nguoiduatni.vn)