Indonesia ‘chiến thắng’ Apple nhưng còn là nơi hấp dẫn với đại bàng công nghệ?

20/12/2024 09:03:58

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto “bật đèn xanh” tháo dỡ lệnh cấm bán iPhone 16 tại nước này, sau khi Apple đề xuất đầu tư bổ sung 1 tỷ USD.

Tháng trước, Indonesia đã cấm bán iPhone 16 với lý do Apple không tuân thủ các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Theo quy định của chính phủ Indonesia, các thiết bị công nghệ bán tại nước này phải đạt ít nhất 40% tỷ lệ nội địa hóa, nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp địa phương.

Sự việc đã gây ra căng thẳng giữa Apple và chính quyền Indonesia, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về môi trường đầu tư tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Theo các nguồn tin giấu tên, kế hoạch đầu tư bổ sung của Apple gồm nhiều cam kết cụ thể hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ của Indonesia.

Một trong những nội dung quan trọng nhất là việc xây dựng nhà máy sản xuất AirTags trên đảo Batam, cách Singapore khoảng 45 phút đi phà. Batam được chọn nhờ có quy chế khu thương mại tự do, miễn thuế giá trị gia tăng, thuế xa xỉ và thuế nhập khẩu.

Indonesia ‘chiến thắng’ Apple nhưng còn là nơi hấp dẫn với đại bàng công nghệ?
Indonesia đang tiến gần tới tháo gỡ lệnh cấm bán iPhone 16 series. Ảnh: Bloomberg

Nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm trong giai đoạn đầu và đóng góp khoảng 20% sản lượng AirTags toàn cầu - thiết bị giúp người dùng theo dõi hành lý, thú cưng hoặc các vật dụng cá nhân.

Ngoài dự án trên, Apple cũng cam kết xây dựng một nhà máy sản xuất phụ kiện công nghệ khác tại Bandung, cách Jakarta khoảng ba giờ đi xe.

Bên cạnh đó, tập đoàn này sẽ tài trợ cho các học viện công nghệ tại Indonesia nhằm đào tạo sinh viên các kỹ năng quan trọng như lập trình và phát triển phần mềm.

Những động thái này thể hiện tham vọng dài hạn của Apple tại thị trường 278 triệu dân, nơi hơn một nửa dân số dưới 44 tuổi và có hiểu biết cao về công nghệ. Indonesia cũng là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Apple tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, chính phủ Indonesia vẫn chưa đưa ra thời hạn cụ thể cho việc cho phép bán lại iPhone 16. Các quan chức cũng cảnh báo rằng, kế hoạch có thể thay đổi vì Indonesia từng có tiền lệ rút lại các quyết định đầu tư lớn.

Nếu thỏa thuận được hoàn tất, đây sẽ là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Prabowo Subianto, người đang tích cực tìm kiếm thêm đầu tư nước ngoài để tài trợ cho các chính sách kinh tế của mình.

Điều này cũng sẽ củng cố vị thế của Indonesia như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

Đối với Apple, việc đạt được thỏa thuận sẽ giúp hãng có quyền tiếp cận không hạn chế vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Việc này đặc biệt quan trọng khi Apple đang đối mặt với áp lực từ các thị trường phát triển chậm tại Mỹ và châu Âu.

Tạo ra tiền lệ lo ngại?

Tuy nhiên, diễn biến này cũng có thể tạo ra tiền lệ đáng lo ngại trong mắt các doanh nghiệp quốc tế. Họ có thể cảm thấy bị chính phủ Indonesia gây áp lực phải tăng cường đầu tư hoặc mở rộng sản xuất nếu muốn tiếp tục kinh doanh tại đây.

Trường hợp của Apple cho thấy, chiến lược cứng rắn của Indonesia đã đạt được kết quả với việc buộc các tập đoàn công nghệ lớn xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương 

Nếu được thực hiện đúng kế hoạch, khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Apple sẽ không chỉ giúp hãng lấy lại thị phần tại Indonesia mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp và công nghệ của nước này.

Đây là một cơ hội lớn để Indonesia khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trong những năm tới.

Sẽ là thách thức đối với “nhà táo” trong việc đáp ứng hàm lượng nội địa của Indonesia khi nước này thiếu sự hiện diện của một hệ sinh thái cần thiết để đạt hiệu quả sản xuất và chi phí.

Apple đã tập trung nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc tại Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. Theo danh sách đối tác năm 2023 của hãng, chỉ có một nhà cung cấp linh kiện có nhà máy ở Indonesia, còn Việt Nam có 35 và Ấn Độ có 14.

Một số nhà cung ứng chính của Apple, như Pegatron và Flex, có nhà máy trên đảo Batam của Indonesia, nhưng họ không sản xuất các bộ phận hoặc sản phẩm cho Apple ở đây.

Nếu Apple muốn tăng tỷ lệ sản xuất ở Indonesia, sẽ cần đầu tư đáng kể và cần xác định xem việc tiếp cận thị trường Indonesia có đáng hay không.

iPhone chỉ chiếm 1% thị trường smartphone Indonesia trong ba quý đầu năm 2024, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Canalys. Song, đây cũng là một trong số ít nơi còn lại mà “táo khuyết” nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Bộ Công nghiệp ước tính Apple kiếm được 30 nghìn tỷ rupiah từ việc bán sản phẩm ở Indonesia vào năm 2023.

Theo Thế Vinh (VietNamNet)

Nổi bật