Dịch vụ thay pin giảm giá, nhưng chưa chắc đã được dùng
Còn nhớ hồi tháng 12 năm ngoái, scandal “Táo khuyết” cố tình làm chậm iPhone cũ nổ ra khiến Apple liên tục bị chỉ trích. Công ty sau đó phải xin lỗi vì đã không thông báo sớm cho người dùng, đồng thời hứa hẹn rằng chủ sở hữu iPhone 6 hoặc mới hơn sẽ được giảm giá hoặc thay pin miễn phí.
Họ nói: “Chúng tôi chỉ có thể làm việc với sự tin tưởng và ủng hộ của các bạn. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này”.
Thế nhưng, kể từ đó, lòng tin của một số người dùng đã bị tổn hại nghiêm trọng khi Apple yêu cầu họ phải trả gấp 10 lần số tiền mà hãng đề cập trong lời xin lỗi.
Apple cho rằng: vì điện thoại của khách hàng bị hư hỏng một số bộ phận nên việc thay pin không thể thực hiện mà cần phải khắc phục những lỗi đó trước (với chi phí không hề nhỏ). Tuy nhiên, theo điều tra thuộc chương trình bảo vệ người tiêu dùng của BBC, sự thật không hẳn là như vậy.
Cụ thể, vào tháng 2, một người có tên Josh Landsburgh gửi điện thoại lên Apple Store để thay pin. Hai ngày sau, ông nhận được email từ Apple chỉ ra vết lõm nhỏ ở mép điện thoại và yêu cầu sửa chữa với phí 200 bảng trước khi tiến hành thay pin.
Josh giận dữ lấy điện thoại trở về, rồi thay pin ở một cửa hàng sửa chữa địa phương mà không gặp vấn đề gì, đồng nghĩa với việc ông đã từ bỏ quyền bảo hành tại Apple.
Josh bực tức nói với BBC: "Họ đang cố gắng lấy lại niềm tin, nhưng lại bắt chúng tôi bỏ ra nhiều tiền hơn so với lời hứa hẹn ban đầu”.
Một người khác - David Bowler cũng liên lạc với BBC, tường thuật về việc điện thoại của ông ở trong tình trạng hoàn hảo, nhưng cần phải thay pin. Lần này, khi không có thiệt hại rõ ràng ở bên ngoài, Apple lại nói với David rằng máy gặp vấn đề ở bên trong.
Công ty cho biết micro và loa trước bị lỗi, cần hơn 250 bảng để khắc phục, trong khi David kiên quyết các thành phần này hoạt động hoàn hảo. Ông yêu cầu lấy lại điện thoại. Sau đó, cơ quan giám sát đưa thiết bị của David đến một chuyên gia sửa chữa di động. Kết quả nhận được là: “Tất cả đều đang hoạt động bình thường, Apple không nên nói rằng chúng bị lỗi”.
Các chuyên gia cũng tiến hành thay thế pin, không cần sửa micro và loa trước mà không có vấn đề gì xảy ra, điều Apple đã từ chối thực hiện. Như vậy, Apple dường như đã thu lợi từ việc nói xin lỗi?
Apple nói gì về vụ việc?
Trả lời BBC, Apple cho biết: “Nếu iPhone có bất kỳ thiệt hại nào làm ảnh hưởng đến việc thay thế pin, chẳng hạn như màn hình bị nứt, vấn đề đó cần được giải quyết trước khi thay pin. Trong một số trường hợp, chi phí liên quan đến khâu sửa chữa sẽ được áp dụng”.
Thông tin này được đăng tải trên website dành cho sửa chữa của Apple. Họ cũng cung cấp gói bảo hành 90 ngày trên bất kỳ thiết bị nào sử dụng dịch vụ, ngay cả khi bảo hành ban đầu đã hết hạn.
Ngoài ra, một số trung tâm dịch vụ khách hàng được Apple ủy quyền cũng cho biết hãng cần đảm bảo mọi hư hỏng phải được sửa chữa trước khi thay pin.
Tuy nhiên, cả BBC và luật sư chuyên giải quyết tranh chấp Matthew Purcell của cơ quan luật Sanders Law đều nhận thấy bất cập trong yêu cầu từ phía Apple. Ông Purcell nói: “Tôi nghĩ người dùng đang bực mình vì vào thời điểm Apple nên xây dựng lại niềm tin, thì có vẻ như họ lại đang tạo ra rào cản ngăn chặn mọi người sửa chữa điện thoại”.
Theo Anh Phúc (Ictnews.vn)