"Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận không gián điệp với các nước", ông Lương Hoa, Chủ tịch Huawei trả lời báo chí tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) khi được hỏi liệu họ có dự định triển khai một thỏa thuận với Mỹ tương tự những gì đã thực hiện với Đức. Tháng 4/2019, Huawei đã cam kết với chính phủ Đức sẽ không cài đặt bất kỳ phần mềm cửa hậu nào trong hệ thống mạng.
Tuy nhiên, ông Lương Hoa cũng thừa nhận: "Vì Mỹ trước đây chưa mua, hiện không mua và có thể trong tương lai cũng sẽ không mua sản phẩm từ chúng tôi, tôi không biết liệu có cơ hội nào để ký thỏa thuận như thế".
Mỹ từ lâu cáo buộc Huawei là "công cụ gián điệp" của chính phủ Trung Quốc. Ngày 15/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào "danh sách đen", cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với hãng Trung Quốc.
Huawei đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ chính quyền Bắc Kinh để đảo ngược quyết định. Trước khi Mỹ ban hành lệnh cấm, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và tham vọng sẽ chiếm ngôi vương của Samsung trong 1-2 năm tới. Còn hiện tại, họ đã phải dừng một số dây chuyền lắp ráp điện thoại.
Trong giai đoạn ngắn hạn, lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Huawei, khi hàng loạt công ty như Google, Qualcomm, Xilinx, Broadcom... đã chấm dứt quan hệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định điều này về lâu dài có thể lại càng khiến hãng Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ hơn.
Huawei đã có những kế hoạch dự phòng như phát triển hệ điều hành, bộ vi xử lý di động riêng... "Những gì chính quyền Trump đang làm sẽ đánh thức phần đang ngủ yên trong Huawei", Giáo sư David Daokui Li thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nói.
Theo Châu An (VnExpress.net)