Theo Reuters, có hơn 10 triệu dữ liệu khách của trang thương mại điện tử này gồm tên người dùng, số điện thoại và số theo dõi bưu kiện đã bị đánh cắp.
Cảnh sát Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cho hay trong tháng này Cainiao đã báo rằng máy quét mã vạch được sử dụng trong các trạm phân phối sản phẩm của công ty bị nhiễm phần mềm độc hại.
Hiện tại, hệ thống đã được sửa chữa và nâng cấp.
Trả lời truyền thông Trung Quốc, công ty logictics thuộc Tập đoàn Alibaba cho biết: "Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy, những dữ liệu này chưa được chia sẻ cho bên thứ ba. Cainiao coi việc bảo vệ thông tin khách hàng là ưu tiên cao nhất và sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ an toàn cho hệ thống".
Không chỉ thông tin khách hàng của Alibaba bị đánh cắp, mới đây, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng trong tình trạng tương tự. Amazon đã chính thức lên tiếng xác nhận đang điều tra các cáo buộc một số nhân viên của hãng bán thông tin khách hàng cho bên thứ ba.
Việc mua dữ liệu giúp người bán biết thói quen mua sắm của khách hàng, các từ khóa phổ biến và chi tiết vốn được giữ bí mật khác. Sau đó, họ có thể viết lại mô tả sản phẩm và quảng cáo để tăng cơ hội cho sản phẩm hiển thị ở đầu kết quả tìm kiếm.
Đại diện Amazon cho hay sẽ điều tra kỹ lưỡng và không khoan nhượng với hành vi đánh cắp thông tin. Khi phát hiện thủ phạm, hãng sẽ truy cứu trách nhiệm theo quy định pháp luật Mỹ hiện hành.
Theo Kim Dung (Sohuutritue.net.vn)