Patricio Real, thứ trưởng Bộ công nghệ thông tin và truyền thông của Ecuador cho biết vụ bắt giữ Julian Assange, nhà đồng sáng lập WikiLeaks, đã thúc đẩy một làn sóng tấn công mạng lớn chưa từng có đối với đất nước này. Tổng cộng hơn 40 triệu cuộc tấn công đã được triển khai, chủ yếu đến từ Mỹ, Brazil, Hà Lan, Đức, Romania, Pháp, Áo và Vương quốc Anh. Ngoài ra còn một số xuất phát từ Nam Mỹ.
Javier Jara, người phụ trách bộ phận chính phủ điện tử của Bộ viễn thông Ecuador cũng nói thêm các cuộc tấn công thuộc dạng "Volumetric", tức tấn công băng thông. Mục tiêu chủ yếu là các máy chủ, tin tặc dựa vào lưu lượng áp đảo để khiến chúng trở nên vô dụng. Những cuộc tấn công đã gây ảnh hưởng lớn tới Bộ ngoại giao, ngân hàng trung ương, văn phòng tổng thống, sở thuế vụ và một số Bộ cũng như trường đại học.
Julian Assange là người Australia. Ông sáng lập WikiLeaks vào năm 2006 sau quãng thời gian học tập ở Đại học Melbourne. Trang này gây chấn động toàn cầu vào năm 2010 khi công bố 470.000 tài liệu về hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Assange trốn vào đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển phục vụ điều tra một cáo buộc hiếp dâm. Mặc dù Thụy Điển hủy cuộc điều tra này vào năm 2017, Assange vẫn đối mặt với cáo buộc của Anh do trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa. Sau khi được Ecuador chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị, Assange đã "cố thủ" trong đại sứ quán nước này ở London suốt 7 năm qua.
Hiện tại, Julian Assange đang bị giam tại nhà giam Belmarsh, nhà tù có chất lượng an ninh tốt nhất ở Anh. Mỹ đã yêu cầu dẫn độ Assange về nước để trả lời cho một cáo buộc tấn công vào hệ thống máy tính của chính phủ. Những người ủng hộ Assange lo ngại đó chỉ là cái cớ để nước này có thể tiếp tục đưa ra những cáo buộc mới sau đó.
Hôm 15/4, một thẩm phán liên bang ở Virginia đã tiết lộ các tài liệu bí mật trước đây của chính phủ Mỹ, liên quan tới vụ án chống lại người sáng lập WikiLeaks. Các tài liệu làm sáng tỏ các cáo buộc của chính phủ đối với ông, trong đó có những nhật ký trò chuyện giữa Assange và cựu nhà phân tích tình báo Mỹ Chelsea Manning. Chính quyền Mỹ cho rằng Assange đã làm việc với Manning để bẻ khóa mật khẩu cung cấp quyền truy cập vào mạng của Bộ Quốc phòng, nơi tin tặc có thể lấy được các thông tin bí mật.
Theo Bảo Nam (VnExpress.net)