Hậu quả của việc xem quá nhiều nội dung vô bổ trên mạng xã hội: 'Thối não'

03/12/2024 13:48:58

“Brain rot” - “Thối não” vừa được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024, trong bối cảnh lo ngại về hậu quả của việc lướt nội dung vô tận trên mạng xã hội đối với tâm trí con người.

Hơn 37.000 người đã bỏ phiếu để giúp chọn ra từ chiến thắng trong danh sách rút gọn gồm 6 từ do Nhà xuất bản Đại học Oxford – đơn vị xuất bản Từ điển tiếng Anh Oxford – biên soạn. Và từ đó là "Brain rot" (Thối não).

Bình chọn "từ của năm" thường niên nhằm phản ánh tâm trạng và xu hướng nổi bật của từng năm.

"Brain rot" được định nghĩa là "sự suy giảm về tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt khi đó là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung (đặc biệt hiện nay là nội dung trực tuyến) tầm thường hoặc không có giá trị".

Hậu quả của việc xem quá nhiều nội dung vô bổ trên mạng xã hội: 'Thối não'
“Brain rot” - “Thối não” là từ của năm 2024 do Oxford bình chọn. Ảnh minh họa từ Malta Daily

Nhà xuất bản Đại học Oxford cho biết thuật ngữ này "đã trở nên nổi bật hơn vào năm 2024 khi được sử dụng để nêu bật mối lo ngại về tác động của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung online chất lượng thấp, đặc biệt là trên mạng xã hội".

Dù mới nổi lên gần đây, thuật ngữ này lần đầu tiên được ghi nhận trong cuốn sách Walden của Henry David Thoreau vào năm 1854.

"Brain rot nói lên một trong những mối nguy hiểm được nhận thức của cuộc sống ảo và cách chúng ta sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình. Nó giống như một chương tiếp theo trong cuộc trò chuyện văn hóa về nhân loại và công nghệ", ông Casper Grathwohl, Chủ tịch Oxford Languages, cho biết.

"Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người chấp nhận thuật ngữ này, ủng hộ nó trở thành từ của năm nay", ông nói. "Tôi cũng thấy rất thú vị khi từ Brain rot đã được thế hệ Z (GenZ) và thế hệ Alpha sử dụng – những cộng đồng chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng và tạo ra nội dung số mà thuật ngữ này đề cập đến".

Trong danh sách rút gọn năm nay, 5 từ được chọn còn lại bao gồm "demure" (nghiêm trang), từ này trở nên nổi bật sau xu hướng truyền thông xã hội trong mùa hè, ám chỉ hành vi dè dặt hoặc có trách nhiệm;

"dynamic pricing" (định giá năng động): định giá của một sản phẩm hoặc dịch vụ thay đổi để phản ánh nhu cầu;

"lore" (truyền thuyết): một tập hợp các sự kiện và thông tin cơ bản liên quan đến ai đó hoặc thứ gì đó;

"romantasy" (lãng mạn): một thể loại tiểu thuyết kết hợp giữa lãng mạn và kỳ ảo; và "slop" (lỏng lẻo): nội dung chất lượng thấp được tạo trực tuyến bằng trí tuệ nhân tạo.

Khác với Oxford, từ điển Cambridge Dictionary đã công bố từ của năm 2024 vào tháng trước là "manifest" - đề cập đến việc sử dụng "các phương pháp như hình dung và khẳng định để giúp bạn tưởng tượng ra việc đạt được điều gì đó bạn muốn, với niềm tin rằng làm như vậy sẽ khiến điều đó có nhiều khả năng thành hiện thực hơn".

Theo Minh Đức (Nguoiduatin.vn)