'Hạt gạo nhỏ' Xiaomi và tham vọng vượt Apple, Huawei

02/12/2020 15:30:09

Xiaomi đặt mục tiêu vượt cả Apple và Huawei vào năm tới.

Theo nguồn tin của tờ Nikkei, Xiaomi – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 4 thế giới đang đàm phán với các nhà cung cấp về việc tăng cường đặt thêm linh kiện phục vụ mục tiêu sản xuất 240 triệu điện thoại thông minh. Con số này này vượt xa sản lượng đầu ra trong năm nay của Xiaomi và sẽ vượt cả lượng iPhone trung bình hàng năm của Apple được bàn giao. Điều đó cho thấy tham vọng khổng lồ của "hạt gạo nhỏ" Xiaomi khi muốn vượt Huawei – đối tượng đang chịu tổn thất nặng nề do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Để làm được điều đó, dĩ nhiên Xiaomi sẽ rất cần thêm nguồn tài chính mới để mở rộng năng lực sản xuất. Chính vì vậy vào thứ 4, công ty này đã chào bán thêm cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hong Kong và huy động được 3,06 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch cổ phiếu của họ đã bị tạm ngưng cùng ngày mà chưa rõ lý do.

'Hạt gạo nhỏ' Xiaomi và tham vọng vượt Apple, Huawei

Trên thực tế, Xiaomi nói với một vài nhà cung cấp rằng họ đặt ra mục tiêu nội bộ cao hơn là bàn giao 300 triệu điện thoại thông minh trong năm tới – nhưng mục tiêu này dường như khó đạt được. Qualcomm và MediaTek – những nhà cung cấp chủ chốt chip cho Xiaomi, Oppo, Vivo và Samsung không thể nào cung ứng được sản lượng như vậy cho 1 công ty duy nhất ở vào thời điểm toàn chuỗi cung ứng công nghệ đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng như thế này.

"Xiaomi đang thiết lập một mục tiêu khó khăn hơn cho các nhà cung ứng khi mà họ hy vọng mở rộng được thị phần trước khi các đối thủ đuổi kịp. Bên cạnh đó, họ cũng muốn đảm bảo có nhiều linh kiện hơn đề phòng bất kỳ sự gián đoạn nào từ chuỗi cung ứng hiện tại dẫn tới việc thiếu linh kiện", một chuyên gia phân tích nhận định.

'Hạt gạo nhỏ' Xiaomi và tham vọng vượt Apple, Huawei - 1
Sản lượng điện thoại thông minh đầu ra của Xiaomi qua các năm. 

Tuy nhiên, dù Xiaomi có đặt mục tiêu bàn giao 240 triệu chiếc smartphone trong năm tới thì con số này cũng chỉ tương đương với thời kỳ đỉnh điểm của Huawei đạt 240,6 triệu chiếc smartphone vào năm 2019 – mức cao nhất mọi thời đại với một nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc. Apple giao được trung bình khoảng 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm.

Xiaomi trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 4 thế giới xét về mặt số lượng vào năm 2018. Tham vọng tăng trưởng vượt trội đến sau khi họ giao được 125,6 triệu chiếc vào năm 2019. 9 tháng đầu năm 2020, lượng smartphone bàn giao tăng 16% so với năm trước lên 104,5 triệu chiếc.

"Tổng thể thị trường điện thoại thông minh dự kiến giảm 9,5% trong năm nay nhưng năm tới, thị trường sẽ tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2017 – khuyến khích những kế hoạch tăng trưởng của nhiều nhà sản xuất".

Xiaomi không phải là nhà sản xuất Trung Quốc duy nhất nỗ lực tận dụng việc Huawei đang gặp rắc rối.

Oppo – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 5 thế giới về số lượng cũng đã nói với các nhà cung cấp rằng họ sẽ sản xuất khoảng 170 triệu điện thoại thông minh trong năm tới, tức là đạt tốc độ tăng trưởng gần 50% so với mức 114,3 triệu chiếc vào năm 2019.

Trong khi đó, Washington tiếp tục gia tăng áp lực với Huawei vào tháng 9 khi cấm công ty này tiếp cận với bất kỳ nhà sản xuất chip, linh kiện nào sử dụng công nghệ Mỹ.

Sản lượng smartphone đầu ra của Huawei giảm 22% trong năm nay trong quý từ tháng 6 – 9 với thị phần toàn cầu giảm từ 18,6% xuống còn 14,7%. Đến quý này, Huawei cũng dự báo sẽ bán được ít thiết bị cầm tay hơn mặc dù một vài nhà cung cấp gồm cả Qualcomm và Sony đều đã được cấp phép phục hồi việc làm ăn trở lại với Huawei.

Xiaomi trong khi đó đã báo cáo doanh thu kỷ lục 72,2 tỷ NDT trong giai đoạn từ tháng 6 – 9 - phần lớn là nhờ đóng góp của thị trường nước ngoài – tăng hơn 50% so với năm trước. Lợi nhuận ròng tăng gần 19% trong năm nay lên 4,1 tỷ NDT – đánh dấu một quý có lợi nhuận kỷ lục khác. Và lần đầu tiên, Xiaomi đã vượt Apple về xếp hạng hàng quý, trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới sau Samsung và Huawei.

Mặc dù tham vọng của Xiaomi vào năm tới là rất lớn nhưng ngành công nghiệp công nghệ đang trải qua một giai đoạn thiếu hụt linh kiện trầm trọng khi nhu cầu với các thiết bị làm việc, giải trí từ xa tăng mạnh.

Sự tăng cường ra mắt cơ sở hạ tầng mạng 5G cũng đã thúc đẩy nhu cầu với các sản phẩm mạng lưới. Chưa kể đến việc Huawei cũng tăng cường tích trữ một lượng lớn linh kiện nhằm đề phòng trục trặc với chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang vào cuối tháng 11 thừa nhận rằng việc thiếu linh kiện đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của công ty ông. Một nguồn tin trong ngành nói rằng hiện không rõ khi nào tình hình chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ chấm dứt hay mục tiêu đầy tham vọng của Xiaomi có thể đạt được.

"Thực tế là các công ty đều cố gắng mở rộng thị phần ở thời điểm Huawei đang gặp khó khăn còn toàn ngành công nghiệp đối mặt với thiếu hụt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vấn đề là liệu họ có thể nhận được nhiều linh kiện như họ muốn không và liệu sản phẩm của họ có đủ cạnh tranh để duy trì thị phần mà họ giành được từ Huawei không", Brady Wang - một chuyên gia phân tích nói.

Theo Phương Linh (Toquoc.vn)