Ít ngày qua, truyền thông liên tục đưa tin về việc dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook Việt đã bị lộ trên một diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu của giới hacker. Cụ thể, thông tin được một người dùng có tên ltianyi chia sẻ từ khoảng giữa tháng 11, nhưng đến giờ mới được truyền thông trong nước chú ý.
Trong bài viết, thành viên này chia sẻ khoảng 1 triệu dòng lệnh gồm các trường như định danh người dùng (UID), địa chỉ, email, số điện thoại… Đáng chú ý, tệp tin này được chia sẻ miễn phí, ai cũng có thể tải về và qua kiểm tra sơ bộ, đúng như những gì thành viên này mô tả.
Không lâu sau, vào 10/12 vừa qua, đến lượt một thành viên VIP của diễn đàn này chia sẻ tiếp 2 triệu dữ liệu người dùng Facebook, cập nhật từ tháng 6 đến nay cho thấy mức độ đáng lo ngại của việc dữ liệu người Việt đã bị lộ lọt ra ngoài.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao và làm thế nào mà hacker có được các dữ liệu xác định của người Việt? Theo nhận định của các chuyên gia của diễn đàn WhiteHat, dữ liệu này có thể bắt nguồn từ bên thứ ba khi người dùng sử dụng thông tin đăng nhập Facebook để đăng ký tài khoản nhanh (single sign-on). Đó có thể là các đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng như game, các trang mua sắm online, giải trí, các diễn đàn... Từ đó, các đơn vị này sẽ lấy được thông tin của người dùng qua API mà Facebook cung cấp.
Từ đây, dữ liệu người dùng Facebook có thể bị lộ lọt vào tay hacker do lỗ hổng của bên thứ ba này hoặc bị chính các đơn vị này rao bán.
Ngoài ra, chính các ứng dụng của Facebook cũng là nơi thu thập thông tin người dùng mà nhiều người không hay biết. Các thông tin này khi được lưu trữ và bảo vệ bởi nhà phát triển không rõ danh tính là hết sức nguy hiểm.
Vì thế, các chuyên gia của WhiteHat khuyến cáo, người Việt cần tự bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng cách cân nhắc kỹ trước khi chấp nhận các thông báo từ bên thứ ba về việc xác nhận quyền truy cập, kiểm tra lại các thông tin đang để công khai trên Facebook, sử dụng các ứng dụng từ nguồn chính thống được cung cấp bởi các đơn vị tin cậy.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo nên đổi mật khẩu thường xuyên, mặc dù ngay lúc này là chưa cần thiết, bởi chưa có bằng chứng cho thấy dữ liệu truy cập bị lộ lọt ở đợt này. Đồng thời, cần đề phòng tin nhắn rác, cuộc gọi hay email lừa đảo vì có thể thông tin cá nhân của người dùng đã bị bán cho doanh nghiệp xấu.
Việc lộ lọt thông tin đợt này có thể không liên quan đến độc chiêu gắn thẻ (tag) hàng loạt người dùng Facebook vào các bài viết có nội dung giật gân, gây sốc để chiếm đoạt tài khoản. Đây là phương thức tấn công giả mạo (phishing) nằm ngoài phạm vi đề cập đến trong bài viết này. Dù vậy, chuyên gia khuyến cáo người Việt không nên vô tư nhập bất cứ thông tin nhạy cảm nào trên mạng.
Theo Phương Nguyễn (ICT News)