Trong suy nghĩ của nhiều người, các hacker là những chuyên gia tin học và có những kỹ năng có thể đột nhập vào bất kỳ hệ thống bảo mật nào nếu có đủ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu. Ngoài ra, những hacker có thể chia làm hai phe là "mũ đen" và "mũ trắng". Những hacker mũ trắng thường làm việc cho các cơ quan an ninh mạng, chống lại các hacker mũ đen để bảo vệ môi trường an toàn mạng cho các cá nhân, tập thể.
Nhưng tất nhiên, vì có những cuộc xung đột như vậy, nên sẽ thật sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng, máy tính của các hacker là "bất khả xâm phạm". Trên thực tế, các nhà nghiên cứu an ninh mạng từ Hudson Rock cho biết họ đã tìm thấy khoảng 120.000 hệ thống bị nhiễm mã độc, trong đó 100.000 hệ thống thuộc về các hacker. Đáng nói, đã có hơn 140.000 thông tin đăng nhập vào các diễn đàn hack khác nhau đã bị đánh cắp. Nói cách khác: ngay cả các hacker cũng gặp khó khăn trong việc bảo mật thông tin của mình nếu đụng phải "cao thủ".
Và theo các chuyên gia, các hacker này cũng bị cài mã độc vào máy tính theo đúng cách mà họ dùng đối với những người bình thường: click vào những đường dẫn, file hay email có chứa các mã độc được cài cắm tinh vi hơn bởi những hacker giỏi hơn.
Ngoài ra, mật khẩu để đăng nhập và các diễn đàn hack bị đánh giá là chỉ hơi phức tạp hơn một chút so với những mật khẩu bình thường, còn lại thì không có yếu tố nào thực sự nổi bật hay được đánh giá cao về độ bảo mật
Duy Lộc (SHTT)