Theo DPC, TikTok vi phạm luật bảo vệ dữ liệu GDPR vì không chứng minh được dữ liệu người dùng gửi sang Trung Quốc được bảo vệ trước sự truy cập từ chính phủ theo luật pháp Trung Quốc.
DPC yêu cầu TikTok dừng việc chuyển dữ liệu người dùng sang Trung Quốc trong vòng 6 tháng nếu không bảo đảm mức độ bảo vệ tương tự EU.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết TikTok thừa nhận đã lưu trữ một lượng dữ liêu người dùng EU tại Trung Quốc, bất chấp phủ nhận điều đó trước đây. Công ty khẳng định đã xóa những dữ liệu đó.
Nhà chức trách đang thảo luận với các cơ quan khác của EU để xem xét xử lý vấn đề hay không.
TikTok nói sẽ kháng cáo. Ứng dụng phủ nhận cáo buộc không bảo vệ dữ liệu của người dùng châu Âu đúng mức, cũng như khẳng định chưa bao giờ chuyển dữ liệu người dùng cho Trung Quốc hay nhận được yêu cầu làm như vậy.
Nguy cơ Bắc Kinh tiếp cận dữ liệu người dùng đang khiến TikTok gặp rắc rối ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Tại Mỹ, nơi ứng dụng có hơn 170 triệu người dùng, những lo ngại an ninh quốc gia đã dẫn đến một luật mới, ra lệnh TikTok bán mình nếu không muốn bị cấm trên toàn quốc. Tổng thống Donald Trump gia hạn và cho TikTok thêm thời gian để đạt thỏa thuận.
Tại châu Âu, nơi 175 triệu người dùng đang sử dụng TikTok, cũng có những lo ngại tương tự. Các tổ chức và các nước như Pháp đã cấm nhân viên chính phủ cài đặt và dùng ứng dụng trên thiết bị công việc.
Nhà chức trách châu Âu còn xem xét những gì TikTok đang làm với dữ liệu người dùng khi chúng được gửi ra bên ngoài khu vực. Dữ liệu có thể bao gồm mọi thứ độc nhất với mỗi cá nhân như số hiệu thiết bị hay hoạt động trực tuyến. EU từng phạt Meta hơn 1,3 tỷ USD vì gửi dữ liệu về Mỹ.
Để giải quyết những lo lắng từ châu Âu, năm 2023, TikTok thông báo bắt đầu lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu trên các máy chủ tại Ireland và Nauy như một phần của dự án Clover.
Chỉ một lượng dữ liệu nhất định được gửi sang Trung Quốc, không bao gồm địa chỉ email hay IP, và được một công ty kiểm toán bên ngoài giám sát.
Theo Du Lam (VietNamNet)