Google kiếm tiền từ Android thế nào

20/07/2018 13:44:59

Google cho biết họ phát hành Android miễn phí, nhờ đó smartphone mới có mức giá rẻ như hiện nay.

Tuần này, Ủy ban châu Âu ra mức án phạt kỷ lục 5 tỷ USD đối với Google. Lý do họ đưa ra là Google đã ép các nhà sản xuất thiết di động cài mặc định những ứng dụng như Google Play, Search, YouTube... trên hệ điều hành Android, vi phạm luật chống độc quyền của EU bởi làm giảm cơ hội thu hút người dùng của các nhà phát triển ứng dụng tương tự bên thứ ba.

Trong khi đó, Google cho rằng các nhà sản xuất điện thoại đang sử dụng hệ điều hành Android miễn phí nên tiết kiệm được đáng kể chi phí phần mềm, nhờ đó giá bán điện thoại rẻ hơn, có lợi cho người tiêu dùng. Hiện Android có mặt trên hơn 24.000 dòng thiết bị của hơn 1.300 nhãn hàng với đủ mọi mức giá. Về mặt lý thuyết, người dùng có hàng nghìn lựa chọn khi sắm thiết bị Android.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai còn nói, họ đã đầu tư hàng tỷ USD trong thập kỷ qua để tạo ra một nền tảng Android như hôm nay. Quyết định của EU đẩy họ vào tình thế có thể phải thu phí các nhà sản xuất điện thoại Android, khiến chi phí sản xuất điện thoại tăng lên, dẫn tới giá bán ra thị trường tăng theo.

Google kiếm tiền từ Android thế nào
Ảnh: EnGadget.

Vậy nếu Google không thu phí Android, họ kiếm tiền từ hệ điều hành này bằng cách nào?

Một vụ kiện giữa Google và Oracle từ năm 2016 đã tiết lộ hãng dịch vụ Internet Mỹ đã đạt được doanh thu 31 tỷ USD và lợi nhuận 22 tỷ USD từ Android tính từ năm 2008. Doanh thu này chủ yếu đến từ quảng cáo di động thông qua hàng loạt ứng dụng như công cụ tìm kiếm Search, trình duyệt Chrome, bản đồ trực tuyến Google Maps, dịch vụ video YouTube, thư điện tử Gmail...

"Bởi vì Google cung cấp Android miễn phí, họ phải kiếm tiền từ một nơi khác. Một trong số đó chính là lưu lượng truy cập từ Google Search", Pinar Akman, Giáo sư luật của Đại học Leeds, cho biết trên Business Insider.

Tất nhiên, đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, nhưng với là hãng nắm trong tay hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, Google biết cách để gây sức ép lên các nhà sản xuất.

Theo EU, việc cài sẵn ứng dụng vô tình hình thành thói quen cho người dùng. 95% lượng tìm kiếm từ các thiết bị Android được thực hiện qua Google Search. Tương tự, 75% lượng tìm kiếm trên các thiết bị di động của Microsoft được thực hiện qua công cụ mặc định Bing. Rõ ràng, việc cài mặc định khiến người dùng ít có động lực tìm hiểu, so sánh và tải ứng dụng tương tự từ bên thứ ba hơn.

Bên cạnh đó, nhờ các luật sư của Oracle, giới công nghệ cũng biết Google phải chi tới một tỷ USD cho Apple để Google thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone và iPad vào năm 2014. Có nghĩa, Google đã tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ khi yêu cầu các nhà sản xuất Android cài trước Google Search. Ngoài ra, có tới hơn 2 tỷ thiết bị chạy Android đang hoạt động trên toàn cầu, tức nguồn doanh thu từ quảng cáo hiển thị trên các thiết bị Android thông qua các ứng dụng cũng lớn hơn nhiều so với doanh thu Google kiếm được từ iOS.

Một nguồn thu khác của Google từ Android là từ ứng dụng bên thứ ba. Google Play có hơn 1,5 triệu ứng dụng, phần lớn trong số đó là ứng dụng trả tiền, hoặc cho tải miễn phí nhưng sẽ thu tiền khi người dùng mua đồ. Google "bỏ túi" 30% doanh thu trên mỗi giao dịch.

Với yêu cầu của Ủy ban châu Âu, Google phải ngừng thực hiện các hành vi như cài, chạy mặc định các ứng dụng trên hệ điều hành Android trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt lớn hơn. Khi không còn ứng dụng cài mặc định của Google, người dùng sẽ chủ động lựa chọn hơn, chẳng hạn cài trình duyệt Opera, Firefox...  thay cho Chrome. Và khi đó, lượng người dùng Chrome có thể sẽ phần nào giảm đi.

Google cho biết họ có thể tính đến chuyện thu phí Android - điều hoàn toàn khả thi bởi trên thị trường hiện nay gần như là cuộc đua song mã giữa Apple iOS và Google Android. Các nhà sản xuất thực sự không có nhiều lựa chọn. Nhiều dự án xây dựng hệ điều hành riêng, như Tizen của Samsung, đều thất bại.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất có thể hoàn toàn bỏ qua Google Search, Chrome... và quay sang ủng hộ các sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ cạnh tranh hoặc do chính họ phát triển. Khi đó, Google cũng sẽ buộc phải trả tiền cho nhà sản xuất để ứng dụng của họ được cài mặc định, tương tự những gì họ phải thực hiện với Apple. 

Bên cạnh đó, theo Bloomberg, trong hai năm qua, một nhóm khoảng 100 kỹ sư Google đã âm thầm xây dựng một "hệ điều hành kế cận Android". Android đang là nền tảng phổ biến nhất thế giới, nhưng Google vẫn phải tìm kiếm và xây dựng một giải pháp khác để nhanh chóng thay đổi trước các nhu cầu mới và sự phát triển của công nghệ.

Hệ điều hành này có tên mã Fuchsia, dự kiến tích hợp trong loa thông minh và các thiết bị kết nối trong gia đình khác khoảng ba năm tới, và trên các thiết bị lớn hơn như laptop trong 5 năm nữa. Công nghệ trung tâm của hệ điều hành này là khả năng điều khiển bằng giọng nói.

Theo Châu An (VnExpress.net)