Google không làm giàu từ công nghệ: Sự thật về đế chế 2 nghìn tỷ USD không thực sự ‘xây dựng’ gì cả, đang bị chính phủ Mỹ đòi chia tách

25/11/2024 11:23:31

Trong khi Microsoft phát triển ChatGPT, Meta (Facebook) làm kính thực tế ảo hay Apple dù có iPhone vẫn làm các thiết bị khác thì Google suốt bao năm qua chưa có một sản phẩm chủ lực nào mới.

Google không làm giàu từ công nghệ: Sự thật về đế chế 2 nghìn tỷ USD không thực sự ‘xây dựng’ gì cả, đang bị chính phủ Mỹ đòi chia tách

Tờ Financial Times (FT) cho hay Google (Alphabet) không làm giàu từ mảng tìm kiếm trực tuyến hay công nghệ mà là nhờ khả năng phân phối, phổ cập dịch vụ của mình.

Nói cách khác, sự thống trị của Google trên thị trường mới là thứ làm giàu cho hãng này chứ không phải thuật toán hay những kỹ thuật tiên tiến mà tập đoàn phát triển.

Việc nhiều người dùng Google để tìm kiếm trên web khiến hãng theo dõi được những kết quả mà họ click vào, từ đó phản hồi trở lại công cụ tìm kiếm của mình và liên tục cải thiện thuật toán.

Ví dụ nếu hầu hết mọi người nhấp vào kết quả thứ ba cho một truy vấn cụ thể, công cụ tìm kiếm của Google có khả năng sẽ điều chỉnh và xếp hạng kết quả đó cao hơn trong tương lai.

Kiểu kinh doanh này của Google chẳng phát triển được thứ gì hay sáng tạo ra kỹ thuật mới nào nhưng lại rất khó cạnh tranh vì mức độ phổ biến của công cụ tìm kiếm đã được nhiều người quen sử dụng.

Google không làm giàu từ công nghệ: Sự thật về đế chế 2 nghìn tỷ USD không thực sự ‘xây dựng’ gì cả, đang bị chính phủ Mỹ đòi chia tách - 1

Chính điều này đang khiến Bộ tư pháp Mỹ “nóng mắt” bởi trong khi Microsoft phát triển ChatGPT cùng trào lưu trí thông minh nhân tạo (AI), Meta (Facebook) cố gắng làm kính thực tế ảo còn Apple dù có iPhone vẫn cố làm Apple Watch, AirPod... thì Google suốt bao năm vẫn chỉ dựa vào công cụ tìm kiếm.

Cho đến tận khi Microsoft thúc đẩy trào lưu AI, đe dọa đến công cụ tìm kiếm của Google thì hãng này mới bắt đầu vội vàng tung ra những dịch vụ như Bard để cạnh tranh.

Ngay cả như vậy, sản phẩm này của Google cũng đầy lỗi và trở thành quả bom xịt.

Bởi vậy nếu Bộ tư pháp Mỹ thành công, Google sẽ không thể thu thập dữ liệu người dùng như trước, khiến thuật toán của họ chậm cải tiến và mất lợi thế trước đối thủ, tạo nên cuộc khủng hoảng toàn diện cho công cụ tìm kiếm này.

Chấm dứt độc quyền

Tập đoàn Alphabet (Google) có tổng vốn hóa lên đến 2,03 nghìn tỷ USD nhưng lại dựa vào sự độc quyền, phổ biến của mình trên thị trường để làm giàu thay vì thực sự thúc đẩy những công nghệ mới.

Điều này khiến Bộ tư pháp Mỹ chú ý và đã đề xuất sửa đổi phán quyết của tòa án, cho rằng Google là một tập đoàn độc quyền bất hợp pháp đã vi phạm luật chống độc quyền.

Theo Bộ tư pháp Mỹ, kinh doanh công cụ tìm kiếm trực tuyến không thực sự liên quan đến chất lượng công nghệ. Trên thực tế Google làm giàu từ lợi thế phân phối rộng rãi và khối lượng truy vấn khổng lồ của người dùng đi kèm với phạm vi tiếp cận rộng.

Khi công cụ tìm kiếm theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng, Google cũng thu hút các nhà quảng cáo và tiền tài trợ, tạo thành một vòng liên tục kiếm doanh thu về cho tập đoàn này nhờ lợi thế nổi tiếng của mình.

Tờ FT cho hay một trong số ít cách để cạnh tranh với Google là có được nhiều lượt phân phối hơn, thu hút thêm các truy vấn và dữ liệu thông qua hành vi nhấp chuột.

Tuy nhiên trong suốt nhiều năm, Google đã trả tiền để khóa hết các cơ hội phát triển của đối thủ.

Một trong những thỏa thuận nổi tiếng nhất là với Apple khi Google trả tiền cho nhà sản xuất iPhone khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị di động của hãng này.

Google không làm giàu từ công nghệ: Sự thật về đế chế 2 nghìn tỷ USD không thực sự ‘xây dựng’ gì cả, đang bị chính phủ Mỹ đòi chia tách - 2

Nếu hoạt động của Google thực sự liên quan đến chất lượng công nghệ, cải tiến sản phẩm hay thúc đẩy một thứ gì mới thì tại sao họ phải trả cho Apple 20 tỷ USD mỗi năm?

Tờ FT cho hay nếu công nghệ của Google tuyệt vời và liên tục được cải tiến thì họ chẳng cần trả tiền cho Apple làm gì mà người dùng sẽ tự động tìm đến công cụ này.

Chính vì vậy, ban đầu phía Bộ tư pháp đề nghị tách trình duyệt web Chrome khỏi Google nhưng sau đó chính phủ lại đề nghị rằng Google có thể bị cấm cung cấp bất cứ thứ gì có giá trị cho bất kỳ hình thức phân phối tìm kiếm nào.

Điều này đồng nghĩa Google không thể tiếp tục hợp tác với Apple để làm công cụ tìm kiếm chính thức trên iPhone, cũng như với bất kỳ đối tác hay công ty nào khác.

Chuyên gia phân tích Mark Mahaney của ISI Evercore cho biết điều này là quá hà khắc với Google và đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên trước mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ngay lập tức, cổ phiếu Google đã giảm 5% trong phiên 21/11.

Tranh cãi

Nếu thẩm phán đồng ý với đề xuất của Bộ tư pháp Mỹ thì Google có thể mất đáng kể thị phần tìm kiếm online tại Mỹ.

Điều này đang khiến các nhà đầu tư cực kỳ hoảng sợ khi hiểu rằng hoạt động kinh doanh của Google thực tế chỉ dựa vào độ phổ biến để đè bẹp các đối thủ cạnh tranh khác chứ không phải do công nghệ hay thuật toán.

Google không làm giàu từ công nghệ: Sự thật về đế chế 2 nghìn tỷ USD không thực sự ‘xây dựng’ gì cả, đang bị chính phủ Mỹ đòi chia tách - 3

Chuyên gia Mahaney của ISI Evercore cho biết các thỏa thuận đặt làm công cụ tìm kiếm mặc định của Google chiếm đến hơn 50% truy vấn tìm kiếm của họ tại thị trường Mỹ.

Bởi vậy khi một nửa truy vấn tìm kiếm của Google tại Mỹ biến mất, thuật toán của hãng sẽ không thu thập đủ dữ liệu người dùng để cải thiện và dần mất lợi thế trước các đối thủ.

Luật sư Kent Walker của Google cũng đã phải thừa nhận các đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ “phá vỡ” công cụ tìm kiếm này.

Theo Băng Băng (Nhịp Sống Thị Trường)

TAGS