Google đang phát triển vi xử lý 'cây nhà lá vườn' cho smartphone và Chromebook

08/12/2020 15:00:00

Google vừa tape-out SoC đầu tiên do chính hãng thiết kế dành cho các thiết bị Pixel.

Các nhà sản xuất smartphone và PC luôn tìm cách mang lại cho khách hàng của mình những trải nghiệm độc nhất, không thể có được trên các sản phẩm đối thủ. Trước đây, cuộc đua chủ yếu nhằm tìm xem ai tạo ra được thiết kế công thái học tốt nhất, phần mềm tuyệt vời nhất, và một số tính năng độc quyền khác. Tuy nhiên, gần đây, các công ty như Apple, Huawei, và Samsung đã bắt đầu phát triển những SoC của riêng mình nhằm tạo nên sự khác biệt trên mọi khía cạnh. Và theo thông tin mới nhất thì Google hiện cũng đã theo chân các đối thủ với con chip "nhà trồng" dành cho smartphone Pixel và Chromebook.

Cụ thể, gã khổng lồ tìm kiếm vừa tape-out thành công SoC tên mã Whitechapel và đã thử nghiệm nó từ vài tuần trước. Vi xử lý này có 8 nhân Arm và một số chip bổ trợ được thiết kế để tăng tốc các thuật toán học máy của Google (ví dụ một TPU nhỏ phục vụ việc diễn dịch), đồng thời còn cải thiện hiệu năng của ứng dụng Google Assistant. Chip mới này được cho là sản xuất trên công nghệ quy trình 5LPE (5nm) của Samsung. Bởi thường mất khoảng một năm để một SoC di động mới được mang lên các sản phẩm thương mại, có thể đoán rằng Whitechapel sẽ hiện diện trên những smartphone Pixel của Google vào khoảng cuối năm 2021 nếu mọi thứ đúng như kế hoạch, và bản thân con chip có hiệu năng đủ sức cạnh tranh với các đối thủ.

Tham vọng sản xuất chip của Google không dừng lại với Whitechapel. Công ty này được cho là đang suy tính phát triển các vi xử lý dành cho các thiết bị Chromebook. Xét việc họ đang sở hữu một nguồn tài nguyên vô tận, Google có thể tự thiết kế SoC dành cho PC, nhưng có lẽ trước đó họ sẽ cần có đôi chút kinh nghiệm trong thiết kế chip với các vi xử lý dành cho smartphone.

Những SoC cao cấp đang có mặt trên thị trường đến từ Qualcomm hay MediaTek, được sử dụng bởi một lượng lớn các nhà sản xuất smartphone, mang lại hiệu năng tổng thể lẫn hiệu năng đồ họa rất cao, qua đó cho phép các nhà sản xuất có thể thoải mái cải tiến camera và phần mềm của họ. Tuy nhiên, bởi chúng là những SoC "mì ăn liền", chúng không mang trong mình bất kỳ phần cứng tùy biến độc lạ nào có khả năng giúp một thiết bị vượt trội về mặt hiệu năng lẫn tính năng.

Google đang phát triển vi xử lý “cây nhà lá vườn” cho smartphone và Chromebook - Ảnh 1.

Để mang đến cho người dùng một trải nghiệm độc nhất, cắt giảm chi phí (nếu có thể), và kiểm soát tốt hơn các sản phẩm của chính mình, các công ty như Huawei, Apple, và Samsung đã tự tay phát triển SoC smartphone từ lâu. Apple đi xa nhất và tạo ra cả một SoC cao cấp cho máy Mac, với hiệu năng khá mạnh khi so với các vi xử lý x86 từ Intel. Hơn nữa, chip M1 của Apple còn có nhiều thành phần chuyên dụng, mang lại hiệu năng và tính năng mà những CPU đại trà không thể có được, thay đổi đáng kể cách sử dụng của những chiếc máy tính Apple.

Đối với Google, một công ty công nghệ cao hàng đầu với những tham vọng to lớn về smartphone và PC, hoàn toàn hợp lý khi họ tự thiết kế chip nhằm tạo sự khác biệt cho những smartphone Pixel và Chromebook, cũng như mang đến cho người dùng những tính năng hoàn toàn mới. Nhưng có một vấn đề. Khi Huawei thiết kế SoC cho smartphone của mình, họ phải cạnh tranh với các đối thủ khác trong hệ sinh thái Android. Nhưng khi Google tung ra phần cứng với chip của mình, họ phải cạnh tranh với chính các đối tác, vốn là các nhà phát triển SoC và nhà sản xuất phần cứng - điều mà chắc chắn chẳng làm ai thấy vui cả.

Cuối cùng, nếu Google muốn nhanh chóng cải tiến nền tảng Android và Chrome OS, cũng như tiếp tục cạnh tranh với Apple và Microsoft, sở hữu SoC là một trong những cách cần thực hiện, bởi việc tích hợp những tính năng nhất định vào chip tự thiết kế sẽ dễ hơn đáng kể so với thuyết phục một bên thứ ba tích hợp thứ gì đó vào SoC của họ.

Theo PV (Baodansinh.vn)