Kể từ tháng 5/2014, Google đã tuân thủ phán quyết "Quyền được quên" của Tòa án Công lý châu Âu, cho phép các cá nhân yêu cầu Google và những cỗ máy tìm kiếm khác loại bỏ các kết quả tìm kiếm liên quan đến tên của một người.
Theo báo cáo mới của Google, hãng hiện đã nhận được tổng cộng 654.000 yêu cầu loại bỏ 2.436.788 URL. Tuy nhiên, đại gia công nghệ tìm kiếm Mỹ chỉ thực hiện xóa 43,3% trong tổng số URL đã xem xét.
Trong báo cáo minh bạch mới, Google cũng đã bổ sung các dữ liệu mới về các đối tượng đưa ra yêu cầu xóa bỏ URL, loại nội dung cũng như loại trang web liên quan đến những yêu cầu này. Hãng hướng sự chú ý tới một nhóm nhỏ đối tượng chiếm tỉ lệ đưa ra yêu cầu khá lớn.
Cụ thể, trong 3 năm thực hiện Quyền được quên, 1.000 đối tượng hay yêu cầu nhất (chiếm 0,25% trong tổng số đối tượng yêu cầu) đã gửi cho hãng 14,5% số yêu cầu và được đáp ứng 20,8% trong tổng số URL Google đã xóa bỏ. Nhóm này chủ yếu gồm các công ty luật và công ty quản lý danh tiếng, với gần một nửa đóng đô ở Đức, Pháp và Anh.
Nghiên cứu của Google cũng chỉ ra rằng, 35% số yêu cầu chỉ mong muốn hãng loại bỏ một đường dẫn, trong khi 75% số yêu cầu liên quan đến mong muốn xóa bỏ từ 2 đến 5 URL.
Phần lớn đối tượng yêu cầu là những người trưởng thành, chiếm 44% số URL được xóa bỏ theo kiến nghị. Các chính trị gia và quan chức chính phủ đã yêu cầu xóa 33.973 đường dẫn và được Google đáp ứng ứng 11,7% số yêu cầu đó. Các nhân vật công chúng và không thuộc chính quyền có tỉ lệ yêu cầu xóa bỏ URL (4,1%) thấp hơn nhưng tỉ lệ được đáp ứng cao hơn (35%).
Luật về quyền riêng tư của EU đã đẩy Google vào thế đối đầu với các nhà quản lý Pháp. Giới chức trách Pháp hiện muốn đại gia công nghệ tìm kiếm Mỹ áp dụng việc xóa bỏ URL trên khắp toàn cầu, thay vì chỉ với máy chủ của hãng tại quốc gia có phát sinh yêu cầu. Tranh chấp đã được Tòa án công lý của Liên minh châu Âu thụ lý giải quyết từ tháng 7 năm ngoái, nhưng vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa có bất kỳ phán quyết nào.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)