Đơn khiếu nại được đệ trình lên giới chức 7 nước bao gồm Hà Lan, Ba Lan, Séc, Hy Lạp, Na Uy, Slovenia và Thụy Điển hôm 27/11 vừa qua.
Các đại diện người tiêu dùng này đã vận động hành lang tới Tổ chức tiêu dùng châu Âu (BEUC) để cáo buộc Google đã sử dụng nhiều phương pháp có tính chất đánh lừa hoặc gây hiểu lầm để người dùng vô tình chấp nhận việc bị theo dõi. Như việc khuyến khích người dùng bật cài đặt "lịch sử vị trí" (location history) và "hoạt động web và ứng dụng" ( web and app activities) được tích hợp vào tất cả tài khoản người dùng Google.
Việc bị theo dõi là rất khó tránh khỏi đối với người dùng các mẫu điện thoại di động chạy bằng hệ điều hành Android, như Samsung và Huawei.
BEUC cho biết, các hoạt động này không tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu chung khiến người tiêu dùng không hề biết về việc dữ liệu cá nhân của họ bị sử dụng.
Các dữ liệu hoạt động chi tiết của mỗi cá nhân có thể được sử dụng để xây dựng một hồ sơ chi tiết về người dùng, cũng như việc phỏng đoán về tín ngưỡng, khuynh hướng chính trị, thiên hướng tình dục của họ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những khiếu nại của BEUC, một phát ngôn viên của Google cho biết, lịch sử vị trí được tắt và người dùng có thể chỉnh sửa, xóa hoặc tạm dừng bất kỳ lúc nào.
Nếu được bật lên, tính năng này sẽ giúp cải thiện các dịch vụ như dự đoán lưu lượng giao thông trên tuyến đường đi của bạn.
Nếu người dùng tạm dừng, Google vẫn có thể thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí để cải thiện trải nghiệm Google của người dùng mà thôi.
Hồi tháng 8/2018, một người dùng smartphone tại Mỹ đã đệ đơn kiện Google ra tòa, sau phát hiện của các nhà khoa học về việc người dùng smartphone dù tắt định vị trên thiết bị vẫn bị Google theo dõi.
Theo Hải Phong (VietNamNet)