Giám đốc FBI Chris Wray quan ngại, các hoạt động của TikTok tại Mỹ gây rủi ro cho an ninh quốc gia, có thể gây ảnh hưởng đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.
Ông Chris Wray cho biết, các rủi ro bao gồm "khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng hoặc kiểm soát thuật toán đề xuất, vốn có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng đến người dùng".
Ông cũng cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng ứng dụng này để "kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị", tạo cơ hội để khống chế về mặt kỹ thuật đối với các thiết bị đó.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) vào năm 2020 đã ra lệnh cho ByteDance (công ty mẹ của TikTok) ngừng đầu tư vào TikTok vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị đánh cắp.
Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo sẽ cấm ứng dụng này ở Mỹ và gây sức ép để công ty mẹ ByteDance bán TikTok cho một công ty Mỹ.
Các quan chức Mỹ và ByteDance hiện đang đàm phán một thỏa thuận nhằm giải quyết các mối quan ngại an ninh của Mỹ.
CFIUS và TikTok đã đàm phán trong nhiều tháng nhằm đạt được thỏa thuận an ninh quốc gia, bảo vệ dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng của ứng dụng này.
Vào tháng 9, Giám đốc điều hành TikTok Vanessa Pappas cho biết, TikTok đang đạt được "tiến trình hướng tới một thỏa thuận cuối cùng với Chính phủ Mỹ, để bảo vệ dữ liệu người dùng và giải quyết đầy đủ các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".
Năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã yêu cầu ngăn chặn người dùng tải xuống WeChat, TikTok và cấm các giao dịch khác liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, ông đã không thành công trong việc đưa các biện pháp này áp dụng vào thực tế.
Tháng 6/2021, Tổng thống Joe Biden đã rút lại một loạt sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc cấm tải xuống WeChat và TikTok. Tuy nhiên, ông cũng ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ tiến hành xem xét các mối lo ngại về bảo mật liên quan đến các ứng dụng.
Theo Minh Anh (Công Lý)