Gần 50 triệu cho iPhone 15 Pro Max
Chỉ ba ngày kể từ khi điện thoại mới nhất của Apple, dòng iPhone 15 bắt đầu được bán ở Ấn Độ, với hàng dài người xếp hàng bên ngoài các cửa hàng ở Delhi và Mumbai của Apple, mong chờ sở hữu thiết bị được khao khát nhất thế giới. Nhưng họ gặp phải vấn đề không mấy vui vẻ: Giá quá đắt.
iPhone 15 có giá niêm yết 799 USD (19 triệu) ở Mỹ, đang được bán với giá 965 USD (23 triệu) ở Ấn Độ.
Chưa dừng ở đó, iPhone 15 Pro giá 999 USD (24 triệu) bị đẩy lên 1.628 USD (39 triệu), trong khi iPhone 15 Pro Max giá 1.199 USD (29 triệu) được bán với mức giá kỷ lục 1.930 USD (47 triệu đồng).
Để so sánh, mức giá đang được chào bán tại các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam đối với các thiết bị tương ứng trong dòng iPhone 15 là 23 triệu, 29 triệu và 35 triệu. Trên thực tế, dù giá bán vẫn còn cao trong thời điểm đầu nhưng con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với chính nơi sản xuất iPhone như Ấn Độ.
Có nhiều lý do đằng sau sự chênh lệch giá này.
Thứ nhất, iPhone không hoàn toàn được "made in India" mà là lắp ráp trong nước. Chuỗi cung ứng sản xuất iPhone vẫn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ các khu vực khác.
Do đó, Apple phải chịu thuế hải quan, thuế này có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cuối cùng. Ngoài ra, Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) 18% cũng góp phần làm tăng thêm chi phí, dẫn đến mức giá cuối tăng tổng cộng 40%.
Ngoài ra, việc định giá còn liên quan đến sự tương tác phức tạp của các yếu tố ngoài chi phí nguyên vật liệu.
Apple đã hợp tác với các công ty địa phương để cung cấp các lựa chọn giảm giá và đổi máy, giảm thiểu tác động của các loại thuế đối với các mẫu máy nhập khẩu. Điều cần lưu ý là các mẫu iPhone thế hệ cũ đang thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng của Apple tại Ấn Độ.
Các nhà phân tích cho rằng tỷ suất lợi nhuận thu được từ việc bán các mẫu Pro giúp các mẫu cơ bản và iPhone thế hệ cũ có giá cả phải chăng hơn. Chiến lược này đã dẫn đến sự giảm giá đáng kể, khiến các mẫu iPhone bình dân có giá cạnh tranh hơn ở Ấn Độ so với Dubai và Singapore.
Đây là lý do vì sao iPhone 15 cơ bản tăng giá ít, trong khi mẫu Pro chịu mức giá cực cao.
Mặc dù số lượng iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ tăng lên đáng kể trong những năm qua nhưng không phải tất cả các mẫu iPhone đều được sản xuất trong nước. Thực tế này ngăn cản Apple thực hiện hai mức giá, một cho iPhone lắp ráp trong nước và một cho iPhone nhập khẩu.
Sự thiệt thòi lớn
"Theo thông lệ, Apple điều chỉnh giá iPhone quốc tế theo sự biến động tiền tệ. Với việc Apple tăng giá ở Nhật Bản, đẩy giá các mẫu Pro ở Ấn Độ lên cao và hạ giá chúng ở châu Âu – tất cả đều phù hợp với biến động tiền tệ", các nhà phân tích tại AllianceBernstein cho biết.
Vì vậy, một trong những nguyên nhân khiến giá iPhone 15 ở Ấn Độ cao hơn là do đồng rupee của Ấn Độ đã mất giá so với đồng đô la trong năm qua.
"Một ngoại lệ đáng chú ý là mặc dù đồng nhân dân tệ yếu hơn, Apple lẽ ra phải tăng giá ở Trung Quốc, nhưng thay vào đó, Apple lại giữ giá không đổi, điều phản ánh lo ngại của công ty với những khó khăn trong việc duy trì thị trường tại đây".
Ngoài tăng giá, người tiêu dùng Ấn Độ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi hơn khi mua sắm các sản phẩm Apple.
Apple có sự hợp tác với các ngân hàng địa phương ở Ấn Độ để đưa ra các tùy chọn tài chính thuận tiện và việc giao dịch một chiếc iPhone cũ một năm tuổi tại cửa hàng ở nước này thường chỉ thu về được khoảng 1/3 giá trị ban đầu (603 USD so với 1.767 USD giá trị mẫu iPhone 14 Pro).
Đối với các nhà quan sát, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Họ cho rằng Apple trong hơn một thập kỷ qua vẫn chưa chú trọng thị trường Ấn Độ. Ngay cả sau khi trả một mức giá đắt, khách hàng của Apple ở Ấn Độ cũng không có quyền truy cập vào nhiều dịch vụ, bao gồm News+, Fitness+ và Apple Pay.
Theo ET, có vài yếu tố khác cũng góp phần vào sự chênh lệch giá. Một nhà phân phối chính của Apple giải thích:
"Một trong những lý do đến từ chuỗi cung ứng, vì một số linh kiện được vận chuyển sau khi thanh toán thuế nhập khẩu. Ngoài ra, quy mô kinh doanh ở Ấn Độ thấp hơn nhiều so với khối lượng lớn ở Mỹ và Dubai".
Theo Mạnh Kiên (Phụ Nữ Số)