Bài viết là quan điểm của biên tập viên Roger Cheng, CNET.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, giờ đây Samsung đang ăn mừng chiến thắng với chiếc điện thoại đột phá Galaxy Fold. Những người đánh giá đều lên tiếng ngợi khen chiếc điện thoại gập đáng chú ý đầu tiên, vốn được lên kế hoạch ra mắt vào ngày 26/4. Vấn đề còn lăn tăn duy nhất là mức giá 1.980 USD cũng tỏ ra xứng đáng.
Thực tại "đắng" của Samsung
Thế nhưng chúng ta không sống trong thế giới đó. Thực tại là Samsung đã thông báo vào ngày 22/4 sẽ hoãn bán ra chiếc Galaxy Fold, sau khi nhiều reviewer đánh giá thiết bị của họ bị hỏng màn hình.
Thiết bị của CNET, do nhà báo công nghệ Jessica Dolcourt đánh giá, thì không gặp vấn đề đó.
Đây không chỉ là một sự thất vọng với Samsung mà là với cả những người dùng đang tin tưởng vào một chiếc điện thoại màn gập. Những chiếc điện thoại với phần màn hình dẻo này được coi như bước tiến hóa mới của smartphone, nhưng chúng sẽ chẳng thể thành công nếu như người dùng lo ngại về độ bền.
Với mức giá khá cao, như chiếc Huawei Mate X có giá 2.600 USD, người dùng có quyền chờ đợi chiếc điện thoại này hoạt động tốt.
Thế nhưng mọi việc thậm chí đã có thể tệ hơn với Samsung.
Hãng điện thoại này nên cảm ơn mọi reviewer đã sử dụng bản thử nghiệm của chiếc Fold. Cứ thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thiết bị lỗi này đến tay người dùng phổ thông.
Phản ứng của người dùng có lẽ sẽ giống với sự cố Galaxy Note 7 năm 2016. Năm đó, khi một loạt chiếc Note 7 cháy, nổ thì Samsung đã phản ứng quá chậm. Cuối cùng, họ vẫn phải ngừng bán, thu hồi toàn bộ những chiếc Galaxy Note 7 đã bán ra.
Việc hãng điện thoại Hàn Quốc lần này chọn giải pháp chính thức hoãn ra mắt Galaxy Fold trên toàn cầu có thể hơi mất mặt, nhưng cho thấy họ đã rút được bài học.
“Việc Samsung trì hoãn chiếc Galaxy Fold cho thấy họ đã trưởng thành”, ông Avi Greengart, nhà phân tích tại Techsponential cho biết.
Bài học rút ra từ sự cố Galaxy Note 7
Samsung, công ty đã sản xuất tới 4 tỷ chiếc điện thoại từ năm 1998, đã bị bất ngờ trước những sự cố của chiếc Note 7. Giống như hầu hết công ty khác trong ngành, Samsung tin tưởng nhà cung cấp pin của mình đã thực hiện đủ các bài đánh giá an toàn trước khi đưa vào thiết bị.
Tuy nhiên, nhà cung cấp pin cho Samsung đã không tìm ra được lỗi khiến cho những chiếc Note 7 bị quá nhiệt.
Sau sự cố Note 7, Samsung đã cẩn thận hơn với các thiết bị của mình. Họ sử dụng viên pin dung lượng thấp hơn trên chiếc Galaxy S8 ra mắt năm sau, đồng thời cũng đưa ra quy trình kiểm nghiệm pin nghiêm ngặt hơn.
Dù vậy, những quy trình kiểm nghiệm mới của họ đã không thể tìm ra được vấn đề của màn hình Galaxy Fold.
Lỗi màn hình này có lẽ sẽ rất nghiêm trọng nếu như Galaxy Fold đến với tay người dùng chứ không phải những người đánh giá. Điện thoại màn hình gập vẫn là một sản phẩm rất mới mẻ, và những ấn tượng với thiết bị đầu tiên không mấy tốt đẹp.
Chiếc Royole Flexpai khá thú vị nhưng còn nhiều lỗi, và giờ là đến chiếc Fold. Huawei Mate X cũng gây ấn tượng tại MWC 2019, nhưng nó còn chưa được đánh giá. Chỉ vài thiết bị ban đầu lỗi là đủ khiến cho trào lưu smartphone màn gập bị dập tắt.
Một số chuyên gia trong ngành nhận định rằng việc Galaxy Fold gập vào trong có thể khiến màn hình bị ép nhiều hơn, và đây là lý do Huawei hay Royole đều chọn gập màn hình ra ngoài.
Samsung cho biết nguyên nhân ban đầu mà họ tìm ra là các tác động vào phần trên, dưới của bản lề. Họ cũng cho biết một số hợp chất trong máy có thể làm ảnh hưởng tới màn hình.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện độ bền màn hình. Chúng tôi cũng sẽ bổ sung hướng dẫn về cách dùng và bảo vệ màn hình, bao gồm cả lớp dán bảo vệ để mọi người có thể tận dụng tối đa chiếc Galaxy Fold”, Samsung cho biết.
Sẽ không có một màn ăn mừng cho Samsung trong tương lai gần, nhưng ít ra họ còn có cơ hội sửa chữa những vấn đề của Fold sớm, và qua đó bảo vệ tương lai của dòng smartphone màn gập.
Những gì họ thiệt hại lần này chỉ là vài chiếc máy thử nghiệm bị hỏng. Đó là cái giá quá rẻ.
Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)