Cuối năm 2019 vừa qua, trong quá trình điều tra một vụ án tại Ohio, FBI đã thực hiện một cuộc khám xét nhà của nghi phạm Baris Ali Koch. Trong số các vật phẩm thu giữ, có một chiếc iPhone 11 Pro Max. Báo cáo cho biết, FBI đã bẻ khóa thành công thiết bị được cho là có độ bảo mật rất cao này.
Theo luật sư Ameer Mabjish, Baris Ali Koch không hề cung cấp mật khảu cho chiếc iPhone 11 Pro Max bị khóa, và nghi phạm cũng không bị ép phải mở khóa bằng xác nhận khuôn mặt Face ID. Thế nhưng, bằng một thiết bị của bên thứ 3 có tên là GrayKey, FBI vẫn có thể bẻ khóa và lấy dữ liệu thành công.
GrayKey được sản xuất bởi công ty Grayshift, và từ lâu những thiết bị đặc biệt này đã trở thành công cụ đắc lực cho các cơ quan thực thi pháp luật, để họ có thể truy cập vào những chiếc iPhone bị khóa và phục vụ việc điều tra.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là FBI có thể dễ dàng bẻ khóa một chiếc iPhone 11 Pro Max, nhưng lại phải nhờ đến Apple để lấy dữ liệu từ hai chiếc iPhone 5 và iPhone 7, vốn là vật chứng liên quan tới một vụ xả súng hồi tháng 12/2019.
Bộ Tư pháp Hoa Kì cho biết họ đã thử rất nhiều cách, nhưng không thể bẻ khóa hai chiếc iPhone cũ này. Bằng chứng là sau đó Bộ Tư pháp và đích thân tổng thống Donald Trump đã phải yêu cầu Apple giúp đỡ FBI.
Apple từng nhiều lần từ chối yêu cầu của FBI tạo ra một backdoor giúp truy cập vào các thiết bị iPhone. Bởi theo họ, điều đó sẽ là một tiền lệ xấu và tiếp tay cho hacker. Một cuộc chiến pháp lý đã nổ ra và Apple là những người thắng cuộc.
Nhưng có một sự thật là những chiếc iPhone mà FBI không thể bị bẻ khóa, lại là những chiếc iPhone cũ đã lỗi thời. Có thể thiết bị GrayKey chỉ bẻ khóa được những chiếc iPhone mới với hệ điều hành iOS cao hơn, mà không thể bẻ khóa những chiếc iPhone cũ với phiên bản iOS cũ.
Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)