Khi chiến sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, các tập đoàn công nghệ lớn đã có nhiều biện pháp thay đổi hoạt động kinh doanh hoặc để bảo đảm an toàn cho người dùng trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin như hiện nay.
Meta (Facebook)
Meta đã thông báo sẽ hạn chế truy cập vào các tổ chức truyền thông được chính phủ Nga tài trợ, bao gồm RT và Sputnik. Quyết định này được đưa ra sau khi Meta “nhận được yêu cầu từ một số chính phủ và EU” về vấn đề này.
Cả Facebook và Instagram cũng bắt đầu giảm quảng bá nội dung từ các trang truyền thông chính phủ Nga trên nền tảng của mình; Facebook trước đó đã tắt chức năng kiếm tiền cho các trang này. Facebook cũng đã lập một trung tâm hành động đặc biệt vào ngày 25/2 để theo dõi sát sao xung đột tại Ukraine.
Ngày 28/2, Meta thông báo đã xóa một mạng lưới gồm 40 tài khoản, nhóm và trang giả mạo trên Facebook và Instagram. Các tài khoản này có nguồn gốc từ Nga và Ukraine và truyền bá thông tin ủng hộ Nga nhắm vào người Ukraine. Bên cạnh đó, Meta còn đề cập đến một nhóm hacker tên Ghostwriter sử dụng Facebook để nhắm vào các nhân vật công chúng tại Ukraine.
Ngày 1/3, Twitter thông báo sẽ dán nhãn “Truyền thông liên quan đến nhà nước Nga” lên tất cả các đường link và tài khoản liên quan, đồng thời giảm mức độ lan truyền của các nội dung này. Theo Twitter, phần lớn trong số hơn 45.000 tweet mỗi ngày chia sẻ nội dung từ truyền thông nhà nước Nga là từ các tài khoản cá nhân.
Twitter cho biết quyết định này được đưa ra nhằm giải thích rõ hơn bối cảnh của những tweet về tình hình tại Ukraine. Trước đó, mạng xã hội này cũng đã dừng toàn bộ hoạt động quảng cáo tại Nga và Ukraine.
Google, YouTube
Google Pay đã dừng hoạt động tại Nga và Google Maps đã dừng cung cấp thông tin giao thông tại Ukraine, với lý do bảo đảm an toàn cho người dân tại Ukraine. Các ứng dụng RT News và Sputnik cũng bị rút khỏi cửa hàng ứng dụng Google Play tại châu u.
Thêm vào đó, YouTube bắt đầu chặn các kênh có liên quan đến truyền thông nhà nước Nga như RT và Sputnik tại châu u, chủ yếu nhằm giảm thiểu thông tin sai lệch lan truyền rộng hơn. Trước đó YouTube đã thông báo sẽ tắt kiếm tiền đối với kênh chính thức của RT.
Apple
Apple đã dừng bán các sản phẩm của mình tại Nga, bao gồm iPhone, iPad, Mac và Apple Watch. Đồng thời, ứng dụng RT và Sputnik cũng bị gỡ khỏi App Store bên ngoài nước Nga; Apple cũng dừng cung cấp thông tin giao thông tại Ukraine và hạn chế dịch vụ thanh toán Apple Pay tại Nga.
SpaceX
Do hậu quả của việc Nga tấn công quân sự mà hạ tầng Internet tại Ukraine đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. SpaceX sau đó đã gửi thiết bị đầu cuối cho dịch vụ Internet vệ tinh Starlink đến Ukraine sau khi Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov gửi lời yêu cầu trên Twitter. Cả CEO SpaceX Elon Musk và ông Fedorov đều xác nhận Ukraine đã nhận số thiết bị này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu John Scott-Railton từ CitizenLab cho rằng thiết bị Starlink có thể bị lợi dụng để định vị và trở thành mục tiêu không kích của Nga.
Tùng Phong (Nguoiduatin.vn)