Nhiều trang tin dỏm, fanpge Facebook những ngày qua chia sẻ hình ảnh hai người phụ nữ với khăn trùm, dây hạt Mân Côi, sách kinh thánh đứng trước tiệm thuốc rao giảng đạo.
Các trang này đăng tải hình ảnh kèm lời cảnh báo mọi người vì cho rằng hai người phụ nữ trên thuộc Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, một nhóm truyền đạo đang gây xôn xao trong thời gian qua.
Nói với Zing.vn, chị H.T, chủ tiệm thuốc Thiên Phước ở TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng, khẳng định chính mình là người đã chụp những bức ảnh trên. Chị H.T khẳng định bức ảnh đã bị lợi dụng để phao tin đồn nhảm.
Theo chị H.T, hai người phụ nữ này là người công giáo, sống đã lâu tại thôn Thanh Hương, xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng. "Họ chỉ đơn thuần là những người sùng đạo Công Giáo, thường chia sẻ quan điểm tôn giáo với mọi người, hoàn toàn không thuộc tà giáo", Chị H.T khẳng định.
Ngày 25/4, hai người phụ nữ này có đến tiệm thuốc Thiên Phước của chị H.T để mua một hộp cốm. Cùng thời điểm đó, thông tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang "sốt" trên Facebook, chị T đã xin chụp ảnh họ. Sau đó chị đăng tải lên trang cá nhân với nội dung vui vẻ: "Hôm nay có người đến chơi". "Họ rất hiền. Tôi xin chụp ảnh họ nhiệt tình giơ sách kinh lên cho tôi chụp và vui vẻ ra về", chị H.T kể lại.
Tuy nhiên những hình ảnh này được nhiều trang tin, hội nhóm Facebook đăng lại với nội dung cảnh báo mọi người rằng "Hội Thánh Đức Chúa Trời đã có mặt tại TP.HCM" và nhiều tỉnh thành khác. Một số trang còn kêu gọi chia sẻ nhằm tăng lượt tương tác. Các trang Facebook từ Nam Định, Bình Dương, Hưng Yên, TP. HCM đều đăng tải cùng những bức ảnh do chị T chụp tại chợ Bảo Lộc.
Những bài viết này nhận được hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, thậm chí là bình luận nhục mạ, chửi bới. Tuy vậy nhiều người dân sống tại Bảo Lộc đã nhận ra đây chỉ là tin nhảm. "Ảnh này được chụp tại chợ cũ TP. Bảo lộc. Chả hiểu sao nhiều người thích tát nước theo mưa. Hai cô này chắc có thuật phân thân rồi", tài khoản Facebook Trường Lê bình luận về việc quá nhiều fanbpage "tự nhận" ảnh chụp ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.
"Tôi chỉ đăng cho vui, không ngờ cộng đồng mạng lại làm mọi việc đi xa đến như vậy. Thật sự tôi không có ý gì", chị H.T cho biết.
"Mục đích chính của việc tung tin giả là nhằm câu view cho trang web và tăng tương tác trang Facebook. Đây là cách thường được những trang này áp dụng bởi tin giả luôn hấp dẫn hơn tin thật. Tuy nhiên chúng gây ảnh hưởng rất lớn đến người trong cuộc", Trọng Nhân, chuyên gia digital marketing chia sẻ.
Trước đây mạng xã hội cũng từng chia sẻ rầm hộ hình ảnh nhóm người phụ nữ người Chăm vì cho rằng họ đến từng nhà để bỏ bùa, bắt cóc trẻ em. Sự thật đây chỉ là những người đi bán thuốc tự làm từ thảo mộc.
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)