Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa trình dự thảo, đồng thời lấy ý kiến người dân để sửa đổi các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Người dân có thể góp ý cho dự thảo tại đây và đọc thông tin chi tiết về dự thảo tại đây.
Trên thực tế, đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội đang hoạt động được vận hành bởi các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Twitter... được cung cấp xuyên biên giới thì vẫn có mức ảnh hưởng và độ phổ biến lớn hơn mạng xã hội trong nước.
Tuy nhiên, các nền tảng xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Bộ TT&TT, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức livestream để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhiều tổ chức, cá nhân khác. Do đó các quy định liên quan cũng cần sớm được bổ sung và hiệu chỉnh.
Do đó, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên và bắt kịp xu thế phát triển của Internet và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng.
Trong đó, Bộ TT&TT đề xuất các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Instagram, YouTube... cần có bộ phận chuyên trách để tiếp nhận, xử lý và phản hồi yêu cầu của cơ quan chức năng, cũng như giải quyết và phản hồi khiếu nại của người dùng tại nước ta.
Cụ thể, trong 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người dùng, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp các nền tảng kể trên phải tiến hành xử lý khiếu nại. Nếu chính đáng thì phải tạm khóa hoặc xóa các nội dung bị báo cáo.
Ngoài ra, mạng xã hội xuyên biên giới chỉ được cung cấp tính năng livestream và các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức đều phải thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Nếu nội dung phát trực tuyến có vi phạm, tổ chức hoặc cá nhân chủ quản của nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất trong 3 giờ kể từ khi có yêu cầu của Bộ.
Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các nền tảng thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.
Theo Huỳnh Phương (Trí Thức Trẻ)