Facebook đang đi vào 'vết xe đổ' của Google?

10/02/2022 20:07:03

Các cuộc đánh cược kinh doanh của Google đã khiến công ty thất thoát hàng tỷ USD, Meta dường như đang lặp lại điều này với các dự án metaverse.

Đổi tên liệu có đổi vận? 

Vào năm 2015, Google tuyên bố sẽ đổi tên thành Alphabet để mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực quảng cáo. Ban lãnh đạo Google cho biết quyết định này nhằm tạo ra một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh. Khi đó, động thái này được các nhà đầu tư ủng hộ, khiến cổ phiếu công ty tăng 4%.

Alphabet gồm hai phân khúc chính: bao gồm các mảng kinh doanh quảng cáo như YouTube và phần cứng mang thương hiệu Google, ngoài ra những cuộc đánh cược “moonshot” - đầu tư vào các công nghệ có tính đột phá nhưng đi kèm với rủi ro cao cũng là thứ mà Google yêu thích.

Facebook đang đi vào 'vết xe đổ' của Google?
Facebook đang đi vào 'vết xe đổ' của Google?

Các nhà đầu tư đã hình dung ra Google sẽ trở thành một “gã khổng lồ” công nghệ thống trị một loạt các ngành ngoài lĩnh vực tìm kiếm. Tuy nhiên, hy vọng đó đã không thành hiện thực. Vào năm 2021, Google lỗ 5,3 tỷ USD trong các đầu tư moonshot và chỉ kiếm về được 753 triệu USD trong phân khúc này.

Trong sáu năm qua, kể từ khi Google đổi tên thành Alphabet, nó đã mất 23,4 tỷ USD cho cuộc đánh cược khác và chỉ tạo ra một phần doanh thu trong số đó, ngoài ra cũng chưa có bất kỳ thành công đột phá nào.

Theo Morgan Stanley, trong thời kỳ đỉnh cao của chu kỳ quảng cáo xe hơi tự lái, Waymo - công ty xe tự hành của Google đã đạt được mức định giá ước tính là 175 tỷ USD, tuy nhiên con số này là 30 tỷ USD vào năm 2021.

Trong khi việc đổi tiên thương hiệu thành Alphabet nhằm mục đích để công ty phát triển sang các lĩnh vực khác, nhưng hiện tại hoạt động kinh doanh của Google vẫn được thúc đẩy rõ ràng bởi quảng cáo, chiếm hơn 80% doanh thu vào năm 2021.

Vào tháng 10, Facebook thông báo họ sẽ đổi tên thành Meta, báo hiệu ý định “lấn sân” sang các mảng khác ngoài truyền thông xã hội. Tham vọng rõ ràng nhất của công ty là trở thành người đi đầu trong vũ trụ ảo (metaverse).

Tuy nhiên, Reality Labs - bộ phận phụ trách nghiên cứu metaverse của công ty đã lỗ 10,2 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên vào năm 2022. Khoản lỗ này gấp đôi những gì Alphabet đang trải qua với các đầu tư mạo hiểm và Meta dường như chỉ mới bắt đầu.

Bài học từ Google

Xây dựng một doanh nghiệp mới luôn là một thách thức khó khăn, nhưng Alphabet là một trong những công ty lớn nhất thế giới với thị phần mảng tìm kiếm chiếm ưu thế ở hầu hết thế giới và mang lại lợi nhuận khổng lồ. Điều đó làm tiền đề để công ty mạnh dạn xuống tiền vào các cuộc đánh cược kinh doanh, nhưng nhìn chung sẽ tốt hơn nếu Google tập trung sức lực vào lợi nhuận thay vì “ném tiền qua cửa sổ” như vậy.

Điều này cũng có vẻ đúng với Facebook. Việc đi quá xa so với sức mạnh cốt lõi của Facebook trong truyền thông xã hội có thể gây tốn kém, đặc biệt là khi số tiền bỏ ra cho các phòng thí nghiệm thực tế ảo đang tăng lên nhanh chóng.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa thương hiệu Meta và Alphabet, có một điểm khác biệt chính: công ty mẹ Facebook không tung ra một loạt các công ty khởi nghiệp với nhiều mục tiêu khác nhau, nó đặc biệt tập trung vào metaverse. Facebook không phải là “gã khổng lồ” công nghệ duy nhất chú ý đến xu hướng này. Microsoft đã mua lại Activision Blizzard, một phần để đưa nó vào metaverse. Apple cũng để mắt đến không gian thực tế ảo. Hãng chip khổng lồ Nvidia cũng tập trung vào việc xây dựng phần mềm cho vũ trụ ảo.

Thay vì cho rằng Meta đang chơi một trò đánh cược, hãy nghĩ nó giống như Internet đang ở giai đoạn phát triển sơ khai vào năm 1994 hoặc 1995. Việc sử dụng Internet khi đó chỉ bằng một phần nhỏ so với ngày nay, nhưng tiện ích của nó đã tăng lên rất nhiều với sự ra đời của các mạng di động và smartphone. Các công ty như Amazon lần đầu tiên bắt đầu khởi động các hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ và các nhà đầu tư tăng cường rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực này.

Liệu metaverse có trở phiên bản tiếp theo của Internet hay không đó là một điều cần phải chờ đợi. Điều chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất ở hiện tại là ý định đầu tư mạnh mẽ vào các phòng thí nghiệm thực tế của Facebook, cùng với những thách thức trong kinh doanh quảng cáo sẽ kìm hãm sự tăng trưởng lợi nhuận của Facebook trong ít nhất một hoặc hai năm tới.

Theo Hương Dung (VietNamNet)

 

Nổi bật