Theo bài bình luận trên New York Times ngày 5/10, sự suy giảm chậm, đều đặn là "đám mây sợ hãi" bao trùm bất cứ công ty hay tổ chức nào từng trải qua những ngày hoàng kim nhất và nó ảnh hưởng đến mọi ưu tiên/quyết định của người quản lý, dẫn đến những nỗ lực ngày càng tuyệt vọng để tìm ra lối thoát.
Loại suy giảm này không nhất thiết phải nhìn thấy từ bên ngoài, nhưng người trong cuộc có thể thấy hàng trăm dấu hiệu nhỏ, đáng kinh ngạc của nó mỗi ngày.
Những dấu hiệu đó bao gồm hack tăng trưởng thù địch với người dùng, những trục trặc điên cuồng, sự điều hành hoang tưởng và việc mất dần các nhân sự tài năng.
Đó chính xác là những gì mà các nhà phê bình đang mô tả về Facebook.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện (Mỹ) gần đây, các nhà lập pháp đã "quay" Antigone Davis - người đứng đầu bộ phận an toàn toàn cầu của Facebook với nhiều câu hỏi đầy cay nghiệt, thù địch, trong đó bao gồm câu hỏi về thiết kế sản phẩm gây nghiện của Facebook và ảnh hưởng của nó đối với hàng tỷ người dùng.
Theo các tài liệu bị rò rỉ được Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook chia sẻ với tờ The Wall Street Journal, thì bản thân Facebook đang lo lắng rằng, họ đang đánh mất dần quyền lực và ảnh hưởng của mình.
Công ty được cho là sẽ phải dành rất nhiều thời gian để cải thiện hình ảnh độc hại của họ và ngăn người dùng từ bỏ họ để đến với những lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn.
The Wall Street Journal tuần trước đã đăng tải bài viết mô tả các báo cáo nội bộ của Facebook, trong đó tiết lộ rằng, công ty đã lên chiến lược và cách tiếp thị mình với trẻ em và đặc biệt, coi trẻ nhỏ là "đối tượng có giá trị nhưng chưa được khai thác".
Điều này đã làm dấy lên sự phẫn nộ, trong đó các nhà nghiên cứu Facebook đặt câu hỏi, liệu công ty có "vẽ" ra các buổi "playdate" (buổi gặp gỡ chơi đùa của trẻ em) để mở rộng tập "khách hàng tiềm năng" này không? Hay họ sẽ tập trung xây dựng các chiến lược tăng trưởng công phu nhắm vào trẻ em 10 tuổi?
Theo New York Times, sự khao khát của Facebook đối với người dùng trẻ không phải là nhằm chiếm lĩnh một nhóm người dùng mới mà nhằm ngăn chặn một xu hướng tồi tệ khác. Đó là việc người trẻ đang dần rời bỏ Facebook.
Theo đó, việc sử dụng Facebook của thanh thiếu niên ở Mỹ đã giảm trong nhiều năm và dự kiến sẽ sớm giảm mạnh hơn nữa. Các nhà nghiên cứu nội bộ (Facebook) dự đoán rằng, việc sử dụng hàng ngày của nhóm đối tượng này sẽ giảm 45% vào năm 2023.
Các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ rằng Instagram, vốn từng có sự tăng trưởng đáng kể để bù đắp cho sự suy giảm mức độ quan tâm dành cho Facebook cũng đang mất thị phần vào tay các đối thủ phát triển nhanh hơn như TikTok, Snapchat. Người dùng trẻ tuổi hiện nay đã không còn đăng nhiều nội dung lên Instagram như trước đây.
Theo các tài liệu nội bộ, một cậu bé 11 tuổi tham gia khảo sát đã đưa ra kết luận "đắng lòng" cho công ty rằng "Facebook chỉ dành cho người già".
Các báo cáo nội bộ cũng tiết lộ rằng, Facebook đã dành nhiều năm để đảo ngược sự sụt giảm mức độ tương tác của người dùng, nhưng thực tế, các lượt thích, lượt chia sẻ và bình luận trên nền tảng này vẫn giảm đáng kể.
Hiện vẫn còn quá sớm để tuyên bố "khai tử" Facebook. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 30% trong năm qua, do doanh thu quảng cáo tăng mạnh và người dùng sử dụng một số dịch vụ trong thời kỳ đại dịch tăng đột biến.
Facebook vẫn đang phát triển ở các quốc gia bên ngoài nước Mỹ và có thể thành công ở đó ngay cả khi công ty gặp khó khăn ở Mỹ. Facebook cũng đang đầu tư rất nhiều vào các sáng kiến mới chẳng hạn như các sản phẩm thực tế ảo có thể lật ngược tình thế nếu chúng thành công.
Nhưng nghiên cứu nội bộ trên của Facebook cũng đã kể một câu chuyện rõ ràng và đó không phải là một câu chuyện vui. Nhóm người dùng trẻ tuổi của Facebook đang đổ xô vào Snapchat và TikTok trong khi một bộ phận người dùng lớn tuổi của nền tảng này thì đăng các bức ảnh hài hước chống vắc-xin hoặc gây tranh cãi về chính trị, thổi bùng thêm sự giận dữ hoặc ác cảm. Bản thân Facebook cũng biết rõ nền tảng của họ được dùng để phát tán sự thù ghét, bạo lực và thông tin sai lạc. Tuy nhiên, công ty này đã cố gắng che giấu điều đó.
Kết lại, theo New York Times, mặc dù hiện nay Facebook vẫn là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, với khả năng định hình văn hóa và chính trị trên toàn cầu, nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận được sự thật rằng, Facebook đang suy yếu.
Theo Bảo Tuấn (Tiền Phong)