Chắc hẳn, những ai từng dùng mạng xã hội đều biết hoặc nghe qua việc các trang mạng xã hội hiện nay có thể "nghe lén" những cuộc trò chuyện, đọc dữ liệu từ tin nhắn... để từ đó, thu thập thông tin phục vụ cho các nhãn hàng quảng cáo. Điều này thậm chí còn nổi tiếng và trở thành một "mindset" thực sự trong hầu hết người dùng mạng xã hội hiện nay trên toàn thế giới.
Cần phải nói rõ là điện thoại thực sự có khả năng nghe. Đó là cách trợ lý giọng nói hoạt động. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh một điều rằng: ngay cả khi không có điện thoại mà người dùng chỉ sử dụng một máy tính bàn duy nhất, thì Meta, X và các trang mạng xã hội khác đã có rất nhiều thông tin xoay quanh người dùng của họ. Trong buổi phỏng vấn với trang PhoneArena, Jake Moore, cố vấn an ninh mạng cho công ty bảo mật ESET với kinh nghiệm hơn một thập kỷ làm việc với các mối đe dọa trực tuyến, cho biết: "Facebook, Meta, Instagram – họ không được phép nghe lén. Các ứng dụng này không có khả năng nghe lén […] Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng khoa học, xác thực nào cho thấy chúng đang lén nghe mọi cuộc trò chuyện."
Rõ ràng, trên thực tế, người dùng có thể nhắc đến rất nhiều mặt hàng, sản phẩm trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Thậm chí, họ sẽ còn có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm này trên Google hay các công cụ tìm kiếm khác. Tất nhiên, những thuật toán của Meta, Instagram hay Shopee... đều sẽ phân tích được người dùng nhắc đến, tìm kiếm,... những sản phẩm nào thường xuyên. Và khi đó, việc những đề xuất này xuất hiện cũng là chuyện rất bình thường.
Nhưng rõ ràng, các ứng dụng ngày nay đã tích hợp thêm việc yêu cầu người dùng cấp quyền để có thể truy cập micro, camera... Nhưng dù không cấp quyền, thì những quảng cáo đặc biệt về các nhóm sản phẩm mà người dùng tìm kiếm thường xuyên vẫn có thể hiện lên. Và đó không còn là do các ứng dụng mạng xã hội hay quảng cáo nghe lén nữa.
Duy Lộc (SHTT)