Tại hội thảo TED 2022 diễn ra ngày 14/4, CEO Tesla Elon Musk thừa nhận “không chắc” có mua được Twitter hay không. Chỉ vài giờ trước, một hồ sơ nộp lên nhà chức trách tiết lộ ông đề nghị mua lại mạng xã hội với giá 54,2 USD/cổ phiếu, hay khoảng 43 tỷ USD.
Twitter xác nhận đã nhận được lời đề nghị song cho biết, ban quản trị phải xem xét. Giá mua trên mỗi cổ phiếu mà Musk đưa ra thấp hơn hẳn mức Twitter đạt được mùa hè năm ngoái (70 USD). Tuy nhiên, Musk khẳng định đây là đề nghị “tốt nhất và cuối cùng” của mình.
Cùng ngày, CEO Twitter Parag Agrawal được cho là thông báo với nhân viên công ty đang cân nhắc đề nghị.
Khi được hỏi liệu có “phương án B” nếu bị từ chối, Musk nói có nhưng không tiết lộ thêm.
Dù giàu nhất thế giới, hầu hết tài sản của Musk lại không có tính thanh khoản, khiến một số nhà phân tích hoài nghi làm thế nào để tỷ phú này trả được tiền cho Twitter trong trường hợp đề nghị được chấp nhận. Các chuyên gia của Wells Fargo cho rằng Musk có thể phải bán cổ phiếu Tesla để có tiền mua Twitter.
Musk nói ông “có đủ tài sản”. Đề cập đến tweet trước đây về việc biến Tesla thành công ty tư nhân, ông giải thích “thực sự đã bảo đảm nguồn vốn”. Thậm chí, ông còn gọi một số nhân vật tại Ủy ban Hối đoái và chứng khoán Mỹ (SEC) là “những gã tồi đó”.
Tháng 9/2018, SEC buộc tội Musk ra phát ngôn “sai lầm và gây hiểu nhầm” cho nhà đầu tư khi tuyên bố đang cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân và đã đảm bảo đủ nguồn vốn. Musk và Tesla cuối cùng phải dàn xếp với chính phủ, nộp phạt tổng cộng 40 triệu USD cho SEC, còn Musk phải tạm thời từ bỏ vị trí Chủ tịch. Tháng 6/2020, SEC tố Musk vi phạm vài điều khoản thỏa thuận, yêu cầu phải duyệt trước một số tweet nếu chứa thông tin kinh doanh về Tesla có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Musk đã tweet rằng giá cổ phiếu Tesla quá cao, khiến cho giá của hãng xe điện lại đi xuống.
SEC đang điều tra hoạt động trên Twitte của Musk có trùng với các thời điểm giao dịch của ông hay không.
Trong khi đó, Musk đặt ra tầm nhìn đối với Twitter nếu thâu tóm thành công. Ông ví Twitter như một “quảng trường quan trọng” trong vùng đất tự do ngôn luận. Ông cũng thừa nhận cần có các mức độ quản trị nội dung khác nhau, chẳng hạn đối với những lời kêu gọi bạo lực và dịch vụ phải tuân thủ luật của các nước sở tại. Ông muốn thấy thuật toán và chính sách của nền tảng cởi mở hơn, dễ tiếp cận hơn để mọi người có thể phê bình và đặt ra câu hỏi.
Nếu một tweet bị chỉnh sửa theo cách nào đó, cần phải cso thông tin đính kèm giải thích rõ ràng. Nhìn chung, tỷ phú cho rằng giới hạn thời gian sẽ phù hợp hơn lệnh cấm vĩnh viễn. Một ưu tiên khác là loại bỏ “bot spam và lừa đảo”.
Theo Du Lam (ICT News)