Vệ tinh vừa được phóng lên là vệ tinh viễn thông lớn nhất cho đến thời điểm này của Indonesia. Hiện 2/3 trong tổng số 280 triệu dân của nước này đã được sử dụng Internet, song khả năng kết nối vẫn bị hạn chế tại các hòn đảo xa xôi phía đông, kém phát triển hơn.
“Công nghệ vệ tinh sẽ giúp tăng tốc đưa truy cập Internet đến những ngôi làng hẻo lánh mà mất đến 10 năm nữa cáp quang cũng chưa thể xuất hiện”, Mahfud MD, Bộ trưởng cấp cao Indonesia cho biết.
Vệ tinh SATRIA-1 nặng 4,5 tấn được chế tạo bởi hãng Thales Alenia Space và phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX tại Florida. Dự kiến, SATRIA-1 sẽ bay trên khu vực Papua phía đông Indonesia.
Chính phủ nước này cho biết, khi đi vào hoạt động, vệ tinh cung cấp truy cập Internet tới 50.000 điểm dịch vụ công cộng với công suất 150 gigabyte/giây. Dự án có sự hợp tác công - tư giữa nhà nước và công ty cung cấp dịch vụ vệ tinh Indonesia PT Satelit Nusantara Tiga.
Đầu năm nay, công ty của Elon Musk cũng chính thức cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Philippines. Website SpaceX cho thấy, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Brunei, Singapore, Indonesia và Campuchia dự định triển khai dịch vụ vào năm 2023, Lào năm 2024. Riêng Việt Nam và Thái Lan chưa hiển thị thời gian cụ thể.
Dịch vụ Internet vệ tinh được coi là giải pháp cung cấp băng thông tốc độ cao cho người dùng cuối ở khu vực xa xôi. Hệ thống sử dụng kết nối qua vệ tinh quỹ đạo thấp thay vì cáp quang truyền thống, do đó thường có chi phí đắt đỏ hơn.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)