Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra thông báo sẽ rút khỏi mảng smartphone và TV để tập trung toàn lực cho VinFast. Nguồn lực hiện tại của VinSmart sẽ được chuyển hướng phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở, trong đó bao gồm hệ thống thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) trên xe VinFast. Sự kiện này kết thúc chặng đường 2.5 năm chinh phục lĩnh vực smartphone của Vingroup.
Sự kiện này đánh dấu thêm một nhà sản xuất smartphone Việt nữa từ bỏ thị trường. Hồi năm 2019, một thường hiệu smartphone Việt khác là Mobiistar cũng từng rời bỏ thị trường sau 10 năm "chinh chiến".
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, BKAV là thương hiệu smartphone Việt duy nhất còn lại trên thị trường. Trước thông tin Vsmart rút khỏi thị trường, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với lĩnh vực này và trình làng thêm những mẫu Bphone mới trong thời gian tới.
"Smartphone là TINH HOA CÔNG NGHỆ. Làm chủ các công nghệ lõi khi nghiên cứu, thiết kế và sản xuất Smartphone là chúng ta đã nắm được hầu hết các lĩnh vực công nghệ khó nhất, MỚI NHẤT CỦA THẾ GIỚI. Trong hàng thập kỷ tới CÁC CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT của nhân loại sẽ VẪN XOAY QUANH SMARTPHONE", ông Quảng viết trên mạng xã hội.
Chưa dừng lại ở đó, ông Quảng còn đặt mục tiêu sẽ lọt vào top 2 thị phần tại Việt Nam trong năm 2023. Hiện nay, trung bình có khoảng 13 triệu smartphone được bán ra tại Việt Nam mỗi năm, và Oppo đang là nhà sản xuất đứng thứ hai với khoảng 20% thị phần. Như vậy, BKAV phải bán ra ít nhất hơn 2 triệu smartphone/năm từ thì mới "có cửa" cạnh tranh, tương đương với mức tăng trưởng ít nhất 1000%. Mức tăng trưởng thực tế còn có thể cao hơn gấp nhiều lần, bởi lẽ hiện tại BKAV không công bố doanh số Bphone, cũng như chưa có tên trên bản đồ thị phần tại Việt Nam.
Đương nhiên, đây chỉ là một vài tính toán mang tính chất tham khảo, còn thực tế sẽ có rất nhiều yếu tố khác đến từ các đối thủ gây ảnh hưởng tới chặng đường chinh phục người tiêu dùng của BKAV. Dù vậy, có thể thấy rằng để đạt được mục tiêu trên, BKAV sẽ phải sản xuất một lượng máy rất lớn ra thị trường.
Chính vì điều này, một số người dùng đã đặt ra câu hỏi về việc liệu BKAV có ý định mua lại nhà máy của Vsmart để gia tăng sản lượng smartphone hay không. Mới đây, một nhân viên BKAV đã chuyển tiếp câu hỏi này tới ông Quảng và nhận được câu trả lời như sau:
"Như anh Quảng có chia sẻ là cách làm của 2 công ty khác nhau. Bkav đầu tư R&D, xây dựng nền tảng các công nghệ lõi, khi số lượng lớn thì Bkav thuê nhà máy bên ngoài gia công, tương tự như Apple đang làm.
Giá trị smartphone nằm ở khâu thiết kế, R&D, không nằm ở nhà máy. Trừ khi là sản xuất hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm, để tối ưu lợi nhuận hơn nữa, dù chi phí gia công không phải quá lớn, Bkav sẽ cân nhắc vào thời điểm thích hợp để mua nhà máy."
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất mà BKAV gặp phải thực tế là liên quan tới vốn. Đây không phải là một suy đoán, bởi lẽ chính Giám đốc Marketing của BKAV, bà Đồng Vũ Mai Phương, cũng từng "than thở" trên mạng xã hội vì tình trạng thiếu vốn của công ty mình.
"Vấn đề của marketing mà mình đã có chia sẻ chính là khó khăn về nguồn vốn. Mục tiêu bây giờ và ưu tiên của Bphone là đầu tư cho nghiên cứu R&D, chi phí mà Bkav đầu tư cho R&D mỗi năm cũng lên đến cả trăm tỉ. Chính vì vậy, khi có được khả năng về vốn tốt hơn sẽ đầu tư cho marketing rộng khắp."
Cho dù sản phẩm của BKAV có tốt đến đâu, nhưng nếu BKAV không rao thì cũng sẽ chẳng ai biết tới nó để mà mua. Khi mà BKAV còn chưa chịu rót vốn để quảng bá cho các sản phẩm có sẵn hiện tại, thì liệu công ty này có sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn hơn gấp nhiều lần để thâu tóm một nhà máy bề thế, để rồi "đánh cược" sản xuất hàng loạt một chiếc Bphone mà không biết rằng người tiêu dùng sẽ phản ứng ra sao về nó hay không? Không cần phải đứng dưới cương vị của một nhà lãnh đạo, chúng ta cũng có thể thấy rõ được câu trả lời sẽ ra sao.
Ở thời điểm khởi công, nhà máy sản xuất smartphone của Vsmart đã tiêu tốn của Vingroup 1200 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh trong 5 năm từ 2014-2019 cho thấy BKAV đạt doanh thu chỉ ở mức 200 tỷ đồng. Đến đây, một số người cho rằng BKAV có thể vay vốn ngân hàng để mua nhà máy, nhưng cũng chính Giám đốc Marketing của BKAV đã từng phủ nhận về khả năng này.
"Thực tế là Bkav cũng muốn vay tiền ngân hàng lắm nhưng chưa ngân hàng nào cho các doanh nghiệp với sản phẩm công nghệ vay vốn. Ở Việt Nam, các ngân hàng vẫn quen thuộc với các hình thức cho vay thế chấp tài sản, chứ chưa có chế tài cho vay thế chấp bằng các sản phẩm công nghệ, bằng R&D bạn ạ. Chính vì vậy hơn chục năm nay, Bkav đã bỏ hàng nghìn tỉ tiền mặt để nghiên cứu và sản xuất Bphone."
Tuy nhiên, tất cả những giả thiết trên chỉ đáng để suy ngẫm trong trường hợp Vingroup chấp nhận bán nhà máy của mình. Còn thực tế, theo thông cáo chính thức từ Vingroup, hiện tập đoàn này không có kế hoạch nào như vậy. Thay vào đó, nhà máy hiện tại của VinSmart tại Hoà Lạc sẽ tiếp tục sản xuất các model TV, điện thoại cho đến hết vòng đời nhằm phục vụ thị trường. Sau đó, một phần của nhà máy sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới.
Theo TIẾN THUẬN (Pháp luật & Bạn đọc)