Như vậy chỉ vài ngày nữa, mức khuyến mãi dành cho thuê bao trả trước sẽ không còn vượt trội như trước đây, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với thuê bao trả sau.
Có thể xem đây là một quy định thể hiện sự ưu đãi cụ thể cho các thuê bao di động trả sau so với các thuê bao trả trước - điều gần như không có trước đây. Điều này cũng vô hình trung đặt ra câu hỏi liệu các thuê bao trả trước có nên chuyển đổi sang thuê bao trả sau để tiếp tục được hưởng khuyến mãi hay không?
Cũng muốn khuyến mãi nhưng ngại chuyển đổi
Theo quy định trên, nếu xảy ra cùng một chương trình khuyến mãi nạp tiền vào tài khoản điện thoại, thuê bao di động trả trước nạp 100.000 đồng vào tài khoản sẽ chỉ còn nhận được 20.000 đồng khuyến mãi (thay vì 50.000 đồng như trước đây), trong khi thuê bao trả sau sẽ nhận được 50.000 đồng. Số tiền nạp càng lớn, mức chênh lệch khuyến mãi sẽ càng cao.
Điều này đã khiến nhiều thuê bao di động trả trước hiện nay có chút “xao động” khi không còn được khuyến mãi như xưa.
Chị Quỳnh Trang, giám đốc một công ty truyền thông, cho biết khuyến mãi nhiều hơn thì đương nhiên người dùng nào cũng muốn nhưng nếu phải xét đến các điều kiện khác thì phải tính lại.
“Chẳng hạn trước giờ tôi dùng SIM 3G trả trước (không nghe gọi, chỉ kết nối mạng) để kết nối mạng di động làm việc, còn điện thoại thì dùng trả sau nhưng có thấy khuyến mãi nạp tiền nào cho cả hai đâu, cứ đều đặn đến tháng là đóng tiền thôi”, chị Trang kể.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thanh, giảng viên, cũng đưa ra thắc mắc: “Thuê bao trả sau có khuyến mãi 50% sao? Hồi trước tôi xài không thấy có nên mới chọn trả trước”.
Anh Thanh cho rằng nếu thực sự có khuyến mãi và có sự chênh lệch như quy định thì “có thể sẽ chuyển đổi” bởi “khi dùng sẽ quan tâm đến lợi ích của từng loại để chọn”. Thế nhưng anh cũng cho biết: “Trước kia vì trả sau chẳng thấy có khuyến mãi gì nên chuyển sang trả trước. Giờ đôi khi làm biếng cũng có thể chẳng đổi tới lui làm gì".
Theo quy định của thông tư 47 năm 2017 của Bộ Thông tin và truyền thông về hạn mức khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ được khuyến mãi tối đa 20% khi nạp thẻ.
Cụ thể, mức tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hóa dùng để khuyến mãi trong một chương trình khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng dành cho thuê bao trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ.
Riêng đối với thuê bao trả sau, mức khuyến mãi vẫn còn duy trì trong mức 50%. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2018.
Thông tư cũng yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về hạn mức khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Nhà mạng nào vi phạm quy định về hạn mức khuyến mãi sẽ bị xử phạt hành chính và truy thu thuế đối với các chương trình khuyến mãi sai quy định.
Theo tìm hiểu nhanh của Tuổi Trẻ Online, lý do “làm biếng” và “thói quen” được khá nhiều người dùng sử dụng khi nói về khả năng chuyển đổi loại hình thuê bao di động. Trong khi mức độ suy giảm khuyến mãi đối với thuê bao trả trước, cũng như độ chênh lệch khuyến mãi giữa trả trước và trả sau có vẻ không được người dùng quan tâm.
“Tôi sẽ không chuyển đổi vì thói quen dùng trả trước lâu nay cũng như chưa rõ về thủ tục chuyển đổi sẽ như thế nào. Hơn nữa, thông tin liên lạc hiện tại đã thuận tiện hơn rất nhiều nhờ các kênh mạng xã hội nên chi phí cho SMS hay cuộc gọi điện thoại không quá cao. Do đó không vì 30% khuyến mãi thêm mà chuyển đổi làm gì", chị Thúy Hằng, nhân viên truyền thông, cho biết.
“Tôi thích dùng trả trước hơn trả sau tuy còn được khuyến mãi nhưng sợ xài không kiểm soát được chi tiêu. Với lại tôi nghe nói trả sau nhiều công đoạn thanh toán rất mất thời gian nên sẽ không chuyển đổi”, chị Ngọc Kiều, phóng viên truyền hình, chia sẻ...
Dùng trả trước để dễ kiểm soát hơn
Theo chia sẻ của nhiều người dùng di động hiện nay, thuê bao trả sau dễ bị tính tiền cước nhiều hơn, đồng thời họ cũng khó kiểm soát chi tiêu hơn. “Tôi thấy phí trả sau thường mắc hơn trả trước, dễ mất tiền vô tội vạ”, chị Thảo Nguyên, nhân viên văn phòng, cho biết.
Còn anh Nguyễn Anh Tài, nhân viên lập trình, lại “cảm thấy việc quản lý chi tiêu cước trả sau vẫn còn nhiều bất cập. Với nhu cầu liên lạc hiện tại thì sử dụng trả trước vẫn đủ đáp ứng. Mặc dù việc giảm khuyến mãi xuống 20% nhưng thực ra phần khuyến mãi chỉ là sử dụng nội mạng nên lợi ích thực sự vẫn chưa hấp dẫn”.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm dùng dịch vụ di động, anh Hoài Vũ cho rằng mỗi loại thuê bao đều có mặt ưu, nhược riêng. “Tôi duy trì cả hai loại thuê bao vì hiện tại công việc của tôi cần giữ online data và điện thoại liên tục nên dù giá cả thế nào tôi vẫn duy trì cả hai. Tôi dùng dữ liệu trả trước để đảm bảo không bị vượt mức ngoài kiểm soát. Tôi dùng nghe gọi ở trả sau vì không muốn đứt liên lạc vì quên nạp tài khoản”, anh Vũ phân tích.
Anh Vũ cũng chia sẻ: “Thực ra tôi cũng muốn dùng trả sau nhưng các dịch vụ ăn theo làm người dùng bối rối. Nếu nhà mạng khôi phục được niềm tin chỗ đó tôi sẽ chuyển sang trả sau”.
Tương tự, anh Hà Đức Trung, nhân viên một công ty công nghệ, đưa ra đề xuất với nhà mạng để thu hút thuê bao trả trước chuyển sang trả sau nên có chính sách: “Khuyến mãi thì vào tài khoản chính. Miễn phí dịch vụ 4G cho thuê bao trả sau. Khi đó, tôi tin sẽ có rất đông thuê bao trả trước chuyển sang trả sau”, anh Trung nói.
Theo Đức Thiện (Tuổi Trẻ)