Dự luật RESTRICT (tạm dịch: Hạn chế sự xuất hiện của nguy cơ bảo mật đe dọa công nghệ thông tin và truyền thông) không nhằm cụ thể vào TikTok. Tuy nhiên, mục đích của dự luật là mang đến quyền hạn mới cho chính phủ Mỹ, trong đó bao gồm khả năng cấm bất kỳ nhà sản xuất điện tử, phần mềm nào liên quan đến nước ngoài mà Bộ Thương mại Mỹ xem là rủi ro an ninh quốc gia.
Nhà chức trách Mỹ muốn giải quyết nỗi lo ngại trước việc các công ty giao nộp dữ liệu cá nhân hay thông tin liên lạc của người Mỹ cho chính phủ. Trong trường hợp của TikTok, nhà lập pháp cho rằng, luật an ninh quốc gia Trung Quốc có thể buộc công ty mẹ TikTok – ByteDance – cho phép nước này truy cập dữ liệu người dùng Mỹ.
Tuần này, CEO TikTok Shou Chew khẳng định TikTok chưa bao giờ nhận được yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc và sẽ không bao giờ làm như vậy. Mạng xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp để cô lập dữ liệu của người dùng Mỹ với phần còn lại, bao gồm lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ của Oracle. Công ty cũng đang đàm phán thỏa thuận với chính quyền ông Biden để cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ theo một số điều kiện nhất định.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn TikTok Brooke Oberwetter nói lệnh cấm của chính phủ Mỹ sẽ kìm hãm ngôn luận của người Mỹ và trở thành “lệnh cấm xuất khẩu văn hóa và các giá trị Mỹ đến hơn 1 tỷ người dùng dịch vụ của chúng tôi khắp thế giới”.
Tuy nhiên, những nỗ lực của TikTok chưa đủ để khiến các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm những biện pháp quản lý cứng rắn hơn.
Tuần trước, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đưa ra dự luật yêu cầu chính quyền ông Biden ban hành lệnh cấm TikTok trên toàn quốc, nếu phát hiện nền tảng có nguy cơ đe dọa dữ liệu người Mỹ. Một dự luật khác do Thượng nghị sỹ Marco Rubio dẫn đầu lại muốn cấm các giao dịch của các công ty mạng xã hội có trụ sở, hoặc nằm dưới “sự ảnh hưởng đáng kể” từ những nước mà Mỹ xem là thù địch.
Dự luật sẽ bao trùm nhiều lĩnh vực công nghệ, không chỉ mạng xã hội, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dịch vụ công nghệ tài chính, máy tính lượng tử, thương mại điện tử. Nó có thể chuyển dịch chính sách của Mỹ từ hướng tới các công ty riêng lẻ đến cơ cấu pháp lý có hệ thống để xử lý các nguy cơ theo dõi dựa trên công nghệ.
Trong vài năm gần đây, Mỹ chủ yếu để mắt đến các doanh nghiệp viễn thông như Huawei, ZTE, song dần mở rộng ra các nhà sản xuất camera giám sát, ứng dụng, phần mềm như TikTok. Theo Chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện Mark Warner, Mỹ cần cách tiếp cận toàn diện hơn trong đánh giá và giảm thiểu các rủi ro của công nghệ nước ngoài. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan tán thành dự luật và gọi đây là “khung hệ thống để giải quyết các nguy cơ dựa trên công nghệ đối với an ninh và an toàn của người Mỹ”. Nó cũng giúp ngăn chặn các rủi ro sẽ xuất hiện trong tương lai.
Theo Du Lam (VietNamNet)