Việc quy hoạch lại kho số di động nằm trong chủ trương quy hoạch lại kho số viễn thông quốc gia, bao gồm cả việc đổi mã vùng điện thoại cố định và đã được Bộ TT&TT chuẩn bị từ lâu. Theo đó, kể từ ngày 15/9/2018, các thuê bao di động 11 số sẽ được tiến hành chuyển đổi mã mạng. Sau khi quá trình này kết thúc, những thuê bao có dạng 11 số sẽ được chuyển về 10 số.
Quá trình quy hoạch lại kho số sẽ giúp Việt Nam có thêm khoảng 1 tỷ số thuê bao mới để sử dụng nhằm phát triển Internet of Things (IoT) với các liên kết giữa máy với máy (machine to machine). Tuy vậy, việc thay đổi số cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến người dùng.
Dự kiến sẽ có hàng chục triệu thuê bao di động tại Việt Nam chuyển đổi từ 11 số về 10 số. Bên cạnh đó, các sản phẩm bao bì, biển hiệu quảng cáo và số điện thoại trong danh bạ của người sử dụng cũng sẽ cần phải thay đổi. Không chỉ vậy, người sử dụng các dịch vụ thanh toán, ngân hàng cũng sẽ bị tác động bởi việc đổi số thuê bao.
Không ít dịch vụ ví điện tử sử dụng chính số điện thoại của người dùng làm tài khoản đăng ký dịch vụ. Hiện chưa có cơ chế đổi số di động đối với các ví điện tử, điều này dẫn đến lo ngại của người dùng về việc không truy cập được vào tài khoản khi bị đổi số thuê bao. Về phía các doanh nghiệp, họ cũng lo mất khách hàng trước thay đổi mang tính hệ thống này.
Chia sẻ với PVVietNamNet, đại diện một đơn vị chuyên cung cấp dịch ví điện tử cho biết, việc đổi số các thuê bao di động gây ảnh hưởng đến một lượng lớn người dùng. Chính vì thế, đơn vị đang tiến hành thống kê các thuê bao bị ảnh hưởng và tìm giải pháp tháo gỡ để ít gây ảnh hưởng nhất đến người sử dụng.
Đơn vị này đã đề ra một số phương án nhằm gỡ rối. Để có một kế hoạch triển khai cụ thể, điều này còn phụ thuộc vào buổi gặp gỡ với các ngân hàng diễn ra vào cuối tuần.
“Tiền vẫn còn trong tài khoản sẽ ra sao? Tài khoản đã đăng ký mobile banking cần xử lý thế nào? Phương án này khách hàng gặp khó khăn gì? Có nguy cơ nào tiềm ẩn hay không? Đó là những vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho khách hàng”, đại diện đơn vị giấu tên cho biết.
Bên cạnh việc bảo đảm về yếu tố bảo mật và lợi ích, phía doanh nghiệp cho rằng cần phải đảm bảo được cả yếu tố “mượt” trong quá trình sử dụng dịch vụ của khách hàng. Điều này có nghĩa là, việc chuyển đổi và các giao dịch phải diễn ra bình thường, trơn tru và các thao tác phải được tối ưu nhằm đơn giản nhất, không gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ.
Chia sẻ về các khó khăn, đại diện đơn vị này cho biết, trước kế hoạch chuyển đổi mã mạng, mỗi ngân hàng sẽ có một chính sách riêng. Mỗi nhóm khách thuộc từng ngân hàng khác nhau sẽ có các cách xử lý khác nhau. Do vậy, giờ đây các ví điện tử phải khắc phục bằng cách chạy theo hệ thống của các ngân hàng.
Trước đó, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam từng trả lời báo chí rằng, ngành ngân hàng đang tìm phương án để hạn chế những bất tiện và tốn kém cho hàng chục triệu khách hàng khi chuyển đổi.
Phương án đang được tính toán là các ngân hàng có thể dùng một phần mềm chuyển đổi tự động một lần cho các chủ tài khoản đăng ký số điện thoại để giao dịch với ngân hàng. Với cách này, khách hàng sẽ không cần mất thời gian, chi phí đi lại tới ngân hàng để đăng ký thay đổi số điện thoại từ 11 số về 10 số.
Trong buổi gặp mặt báo chí về việc chuyển đổi mã mạng, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trong khoảng thời gian quay số song song kéo dài 2 tháng, thuê bao di động sẽ nhận được cuộc gọi, tin nhắn bình thường với cả số cũ và mới. Đây là thời điểm tốt nhất để người dùng chủ động chuyển đổi các dịch vụ gắn liền với số thuê bao di động.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)