Hầu hết mọi người hiện nay đều sử dụng smartphone hay máy tính bảng để đọc sách, tin tức hay nghiên cứu tài liệu. Ngoài các tác hại như gây mỏi mắt và nhức đầu, các nhà nghiên cứu cho biết việc sử dụng các thiết bị điện tử để đọc thúc đẩy hoạt động quá mức ở vỏ não trước, gây ức chế thở dài, làm giảm khả năng đọc hiểu.
Tác giả Motoyasu Honma và nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành thử nghiệm để tìm ra lý do cho vấn đề này. Các nhà nghiên cứu tập trung vào hai yếu tố có liên quan đến chức năng và hiệu suất nhận thức: môi trường trực quan và mô hình hô hấp. Nhóm đề xuất rằng môi trường trực quan của việc đọc trên màn hình điện tử có thể làm thay đổi chức năng hô hấp và chức năng não, từ đó tác động đến hiệu suất nhận thức.
Ông Honma cho biết: “Một đồng nghiệp nữ của tôi thường xuyên thở dài và tôi bắt tự hỏi tại sao cô ấy lại hay có biểu hiện như vậy. Khi xem xét các nghiên cứu trước đây, tôi nhận ra rằng thở dài là dấu hiệu tiêu cực đối với giao tiếp xã hội, nhưng lại tác động tích cực đến chức năng nhận thức”.
Nghiên cứu thử nghiệm được tiến hành với 34 sinh viên đại học Nhật Bản. Theo đó, mỗi sinh viên tham gia đọc văn bản trên smartphone hoặc trên giấy. Hai văn bản là những đoạn trích từ hai cuốn tiểu thuyết của cùng một tác giả, không học sinh nào đọc cùng một văn bản hai lần.
Trong khi các sinh viên đọc, thiết bị của máy quang phổ cận hồng ngoại (NIRS) được gắn vào đầu, quanh miệng và mũi để đo hoạt động ở vỏ não trước trán và đo các kiểu hô hấp. Sau khi đọc, các sinh viên sẽ phải hoàn thành bài kiểm tra đọc hiểu bao gồm 10 câu hỏi liên quan đến nội dung của các đoạn văn.
Kết quả cho thấy, các sinh viên đạt kết quả cao hơn trong bài kiểm tra đọc nếu họ đọc đoạn văn trên giấy. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác biệt trong hoạt động hô hấp của học sinh tùy thuộc vào phương tiện đọc. Khi đọc trên giấy, học sinh thở dài nhiều hơn so với đọc trên điện thoại thông minh.
Thử nghiệm cũng cho thấy hoạt động não trước trán của các sinh viên tăng lên trong quá trình đọc ở cả hai điều kiện, trong đó tăng cao hơn khi đọc trên smartphone.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa tăng hoạt động não và giảm thở dài có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm khả năng đọc hiểu. Đối với những người đọc trên giấy, tải trọng nhận thức ở mức độ vừa phải dẫn đến thở dài, điều này có thể đã giúp khôi phục sự gia tăng biến đổi hô hấp và kiểm soát hoạt động của não trước trán. Nhưng đối với những người đọc trên smartphone, tải trọng nhận thức cường độ cao hơn đã gây ức chế thở dài, dẫn đến hoạt động của não bộ tăng cao và làm giảm khả năng đọc hiểu.
“Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng thở dài có tác động tích cực đến chức năng nhận thức, vì vậy tôi khuyên những người sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên nên hít thở sâu. Sự tiện lợi của điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu cả smartphone và giấy có thể phục vụ cùng một mục đích, tôi khuyên mọi người nên đọc trên giấy”, ông Honma nói.
Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ độ tuổi và sự thân quen với các thiết bị kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu ở mức độ nào.
“Những người tham gia thử nghiệm là những người trẻ khoảng 20 tuổi, thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử. Tuy nhiên, tôi đoán rằng họ chỉ bắt đầu sử dụng các thiết bị kỹ thuật số vào khoảng thời gian còn học trung học cơ sở hoặc phổ thông. Nếu ai đó tiếp xúc với môi trường kỹ thuật số từ khi còn nhỏ, kết quả có thể tích cực hơn đối với smartphone, trái ngược với kết quả của nghiên cứu này”, ông Honna lưu ý.
Mặc dù vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu, những phát hiện này đã làm sáng tỏ tác hại tiềm ẩn của điện thoại thông minh vốn ngày càng được sử dụng nhiều trong thời kỳ đại dịch.
Theo Hương Dung (VietNamNet)